TƯ LIỆU KHỔNG LỒ
Cuốn sách dày 272 trang, gồm bảy chương: Một lối thoát danh dự, Chiến dịch mùa thu 1953, Anne Marie (Bản Kéo), Béatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập) và một số cứ điểm khác, Đó là cho ngày mai, Khủng hoảng tinh thần, Trận chiến năm ngọn đồi, Tạm biệt bạn già.
Ivan Cadeau là nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó gần 20 năm nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương, từng bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài công binh Pháp ở Điện Biên Phủ và được đánh giá xuất sắc. “Tôi không mất nhiều thời gian viết sách bởi có gần 20 năm nghiên cứu lịch sử. Công việc của nhà sử học giống như điều tra viên, có nghĩa là phải tra cứu, lập danh mục, phân loại sự kiện, tổng hợp thông tin rồi mới đánh giá sự kiện”, Ivan Cadeau nói.
Không quá mất thời gian viết sách, tuy nhiên thời gian nghiên cứu tài liệu khó đong đếm. Ivan Cadeau bắt đầu để tâm nghiên cứu sâu về chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng hơn bảy năm trở lại đây. Để hoàn thiện cuốn sách, tác giả tiếp cận khối tài liệu khổng lồ tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Tài liệu lưu trữ liên quan chiến tranh Việt Nam dài tới 850 km, nếu tính theo quãng đường có thể gần bằng khoảng cách từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ.
Trong buổi giới thiệu tác phẩm tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Ivan Cadeau nói trước khi Pháp thất bại trước Quân đội nhân dân Việt Nam, người Pháp không mấy quan tâm đến chiến tranh Đông Dương. Sau khi người Pháp thất bại, các nhà nghiên cứu nhận thấy đây là đề tài hấp dẫn. Cuốn sách đầu tiên về Điện Biên Phủ ra đời chỉ hai tuần sau khi người Pháp phải rút khỏi Điện Biện Phủ.
“Nhiều tác phẩm viết về Điện Biên Phủ, tuy nhiên thường ở dạng hồi ký văn học, trên cơ sở lời kể của các phóng viên chiến trường và cựu binh, chưa có nhiều tác phẩm khai thác thông tin từ tư liệu lưu trữ”, tác giả nói. Ivan Cadeau cung cấp nhiều thông tin xung quanh chiến dịch Điện Biên Phủ, phân tích về nguyên do dẫn tới sự hủy diệt 17 tiểu đoàn tốt nhất của Pháp do tướng De Castries chỉ huy, 15 nghìn người chết, bị thương và bị bắt làm tù binh.
Cuốn sách của Ivan Cadeau xuất bản năm 2013 tại Pháp. Trong chuyến đi sưu tầm tư liệu năm 2018. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiếp cận tác phẩm. “Cuốn sách này cung cấp những thông tin tư liệu lịch sử chân thực về thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam”, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng lí giải lí do mua bản quyền, chuyển ngữ cuốn sách để làm tài liệu cho các đơn vị nghiên cứu, thư viện. Ngoài cuốn sách này, Cục Khảo sát, nghiên cứu và sao chụp hàng nghìn trang tài liệu về Điện Biên Phủ lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp, đều là tài liệu giải mật từ năm 2016 và lần đầu công bố ở Việt Nam.
Đánh giá thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam, Ivan Cadeau cho rằng Việt Nam huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân, bên cạnh lực lượng quân sự và phương châm tác chiến thông minh của Bộ Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong sách ông cũng dẫn nguồn tư liệu Pháp về việc này, đó là việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho san phẳng 20km đường, mở mới 100km đường để kéo thiết bị hạng nặng, tiếp tế lên Điện Biên Phủ. Số dân công, già trẻ gái trai tham gia chiến dịch khó có thể được đánh giá chính xác, tuy nhiên tình báo Pháp ước tính cao điểm lên tới 50-70 nghìn người.
Cuốn sách dựa trên nguồn tài liệu từ tình báo Pháp nên cũng có những thông tin khác với tài liệu công bố chính thức của Việt Nam. Chẳng hạn, Ivan Cadeau khẳng định không có chuyện tướng De Castries từ bỏ vị trí chỉ huy. Ở phần phụ lục, tác giả cung cấp thêm thống kê quân số Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, số đạn dược các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch vào tháng 2/1954, quân số các đơn vị tham gia chiến dịch.
“Thiếu sót của nhiều cuốn sách viết về Điện Biên Phủ do chỉ dựa trên tài liệu của nước mình, đó cũng là thiếu sót nhất định của tôi khi viết cuốn sách này. Tuy nhiên tôi cố gắng khai thác khía cạnh “phía bên kia ngọn đồi” tức là cách nhìn từ phe đối diện. Tôi cố gắng khắc họa hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam chân thực hơn, lựa chọn giọng điệu trung tính nhất cho cuốn sách”, Cadeau chia sẻ. Tác giả cũng đưa vào những phần phỏng vấn các nhà lãnh đạo có liên quan.
Dịch giả Đào Thị Ngọc Nhàn chia sẻ rằng ban đầu khá lo ngại khi chuyển ngữ cuốn sách nghiên cứu lịch sử của Pháp. Việt Nam và Pháp khi ấy ở hai bên chiến tuyến, có thể cùng sự kiện mỗi bên có quan điểm khác nhau. “Thật may cuốn sách của TS. Ivan Cadeau tương đối khách quan”, dịch giả nói.
Sau cuốn sách về Điện Biên Phủ của Ivan Cadeau, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước dự kiến phối hợp với Lưu trữ Quốc phòng Pháp xuất bản tác phẩm về tài liệu lưu trữ chưa từng công bố về chiến tranh Việt Nam.
Ngay sau khi ra mắt, bản dịch cuốn “Điện Biên Phủ: 13/3-7/5/1975” vấp phải một số tranh cãi trên mạng. Một số người đọc am hiểu lịch sử chỉ ra những thiếu sót của người dịch khi chuyển ngữ một số thuật ngữ quân sự, chẳng hạn nhầm giữa trung đoàn với tiểu đoàn, tên một số loại súng, pháo.
Dịch giả trước đó phi lộ khi dịch về các đơn vị của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, người dịch nhờ tới tác giả để làm rõ thêm: Các lực lượng này được thành lập vào thời điểm hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam và bị giải thể, không có quy mô tương đương với cách thức tổ chức của các đơn vị quân đội Pháp lẫn Việt Nam hiện nay.