Chiến thắng Điện Biên Phủ và bài học 'Thế trận lòng dân'

Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Ảnh tư liệu
TPO - Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi bằng vàng, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX trong lịch sử dân tộc.

Chiến thắng của “bản lĩnh, trí tuệ”

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực” mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 giành thắng lợi quyết định đã làm thay đổi cục diện chiến tranh. Trong thắng lợi đó, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua những quyết định về chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, sự bố trí lực lượng, trận địa của địch đã thay đổi, ngày 26/ 1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Không thể đánh theo kế hoạch đã định… Nếu đánh là thất bại”. Tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Và sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí với biết bao hi sinh, mất mát, chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành toàn thắng vào chiều ngày 7/ 5/1954.

Thời điểm trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được động viên và phát huy. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phối hợp với Điện Biên Phủ, quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tính chung trong chiến dịch, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ… Nhiều nơi do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi sổ lại. Thậm chí, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ.

“Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy. Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hi sinh. Truyền thống đoàn kết dân tộc, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã được phát huy mạnh mẽ, thể hiện tinh thần cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên đánh giá.

“Thế trận lòng dân”

Cũng tại cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: Chiến thắng này đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Đồng thời đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ; trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, ngày nay, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển đang là xu thế chủ đạo, nhưng dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để giữ nước “từ sớm, từ xa”, QĐND Việt Nam phải quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bám sát thực tiễn, nhận thức đúng về đối tượng, đối tác; chủ động nắm chắc những biến động, dự báo chính xác tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là diễn biến trên Biển Đông, khu vực biên giới và trong nội địa.

Thượng tướng Lê Chiêm cũng nhấn mạnh, từ bài học thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, ổn định, lâu dài, bảo đảm sẵn sàng chuyển các hoạt động từ thời bình sang thời chiến.

“Quân đội phải là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”, Thượng tướng Lê Chiêm cho hay.

MỚI - NÓNG