Tạ lỗi với rừng

0:00 / 0:00
0:00
Anh Tuấn bên rừng thông hơn 2 năm tuổi
Anh Tuấn bên rừng thông hơn 2 năm tuổi
TP - Từng vướng vòng lao lý vì tận thu những cây thông bị chết khô không đúng quy định trên diện tích rừng được nhà nước giao quản lý, anh Nguyễn Quốc Tuấn (xã Trường Xuân, Đắk Song, Đắk Nông) chấp nhận mức án tòa tuyên. Vấp ở đâu đứng lên ở đó, anh bắt tay trồng lại cây như một cách tạ lỗi với rừng xanh, mở đường cho nghề trồng thông lấy nhựa ấp ủ bấy lâu nay.

Duyên nợ với rừng

Mỗi lần đi xa về, việc đầu tiên, anh Tuấn ra thăm vườn thông từ 2-3 năm tuổi, rộng hơn 30 ha. Nhìn cây xanh tươi, anh càng có thêm động lực làm tiếp phần việc dài hơi mà nhiều người từng bảo anh bị điên- trồng thông lấy nhựa.

Anh Tuấn lớn lên dưới tán rừng thông. Tuy nhiên, hình ảnh rừng xanh cứ xa dần trong anh,khi phong trào chặt thông lấy đất canh tác nở rộ. “Nhiều người cho rằng, cây thông không có nhiều lợi ích ngoài việc tạo bóng mát. Họ không từ mọi thủ đoạn (ken cây, đổ hóa chất…), triệt hạ thông, lấy đất trồng những loại cây sinh lời khác. Nhìn khu rừng thông xanh ngút, bỗng héo mòn, chết trụi, tôi tiếc lắm”, anh Tuấn nhớ lại.

Đi tìm giá trị cốt lõi của cây thông, anh Tuấn biết được nhựa thông cho giá trị kinh tế rất cao. Đúng lúc đó (năm 2010), nhiều người từ nơi khác tìm về Đắk Nông khai thác nhựa thông. Nắm lấy cơ hội, anh Tuấn mạnh dạn thuyết phục gia đình bán vườn cà phê, hồ tiêu, lấy vốn thuê các cánh rừng thông ở huyện Tuy Đức, Đắk Song…, hành nghề khai thác nhựa.

Lật những cuốn sổ ghi chép cụ thể số liệu khai thác thông từ nhiều năm trước, anh Tuấn cho hay, thời gian khai thác nhựa thông kéo dài 10 tháng (2 tháng còn lại để cây phục hồi). Anh nhẩm tính, 1 cây thông trưởng thành cho khoảng 5 kg nhựa/năm; 1 ha (tương đương 1.100 cây) thu về từ 5-7 tấn nhựa/năm. Với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, mỗi ha rừng thông cho thu nhập từ 150-210 triệu đồng. Trừ chi phí thu hoạch, người trồng có lãi khoảng 120-180 triệu đồng/ha, nhiều và ổn định hơn so với cây tiêu, cà phê.

Tạ lỗi với rừng ảnh 1 Ông Tiến - bố anh Tuấn mong để lại cho đời một cánh rừng

Khi nhựa thông đang “chảy ra tiền” thì UBND tỉnh Đắk Nông tạm dừng việc khai thác. Không để lụt nghề, năm 2017 anh Tuấn nhận gần 30 ha rừng thông tại xã Trường Xuân để quản lý, bảo vệ. Rắc rối phát sinh khi phần đất anh nhận, có nhiều cây thông bị khô chết. Anh Tuấn làm đơn xin và được Chủ tịch UBND xã Trường Xuân đồng ý cho cắt hạ. Vì việc này, cả anh và những người liên đới bị khởi tố, bắt giam do vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

“Từ một người giữ rừng, tôi trở thành người có tội với rừng. Cảm giác lúc ấy đau lắm, nhưng tôi không trách ai. Sáu tháng trong trại giam, tôi vẫn đau đáu với kế hoạch trồng rừng đang dang dở. Rất may, gia đình luôn ở bên, thay tôi chăm sóc vườn thông đang ươm mầm”, anh Tuấn kể lại nốt trầm của đời mình.

Sau vấp ngã, anh Tuấn càng cẩn trọng hơn trong các giao dịch, nhất là vấn đề liên quan đến rừng và pháp luật. Khi nhận khoán rừng, anh Tuấn cẩn trọng đo đạc, cắm mốc ranh giới, cập nhật tình trạng cây rừng, tránh các rắc rối về sau.

Xanh lại vùng đất trống

Ngoài trồng thông trên phần đất rừng nhận khoán của nhà nước, anh Tuấn còn hợp tác với 6 hộ dân trong huyện trồng thêm 30 ha. Thời gian đầu, việc thuyết phục người dân tham gia trồng thông không đơn giản bởi, chi phí đầu tư trồng 1 ha rừng thông mất khoảng 100 triệu đồng (tiền san đất, cải tạo đất, giống cây, nhân công cắt cỏ định kỳ…); thời gian cây trưởng thành, cho mủ mất 7-8 năm trong khi giá trị thực của việc khai thác nhựa thông chưa được phổ biến… nên nhiều người e ngại. “Biết tôi trồng thông lấy nhựa, nhiều người bảo tôi tâm thần. Tôi bỏ ngoài tai bao lời đàm tiếu, vì thực tế nghề khai thác nhựa thông đã phát triển ở nhiều tỉnh thành, bản thân tôi đã 5 năm ăn, ngủ dưới rừng cây để lấy nhựa. Khi việc thật, người thật họ tin, làm theo cũng chưa muộn”, anh Tuấn chia sẻ.

Năm 2019, anh Tuấn lập Cty TNHH MTV Nguyễn Gia Tây Nguyên (chuyên trồng, khai thác nhựa thông) để hỗ trợ, cam kết thu mua nhựa thông cho người dân. Theo anh Tuấn, trồng thông không khó nhưng để cây phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng nhựa thì giống, kỹ thuật rất quan trọng. Thời gian đầu, anh phải tự tay ươm giống; về sau, nhu cầu cây giống cao nên anh đặt mua của nhà vườn. Tuy vậy, anh vẫn tuyển chọn thật kỹ trước khi giao cho người dân. Sau khi xuống giống, tỷ lệ cây sống, sinh trưởng rất cao, đặc biệt, các hộ trồng thông rất chăm chút và đặt niềm tin vào vườn cây.

Để có tiền đầu tư cho rừng cây, anh Tuấn vét hết vốn liếng tích lũy được trong thời gian làm nghề khai thác nhựa thông. Ngoài ra, gia đình còn “hy sinh” thêm vài mảnh vườn cho anh theo đuổi nghề trồng thông lấy nhựa. Dẫn phóng viên đi thăm những cây thông non phủ màu xanh rì trên phần đất trống, ông Nguyễn Quốc Tiến- bố Tuấn chia sẻ, rất ủng hộ công việc của con. Bản thân ông cũng yêu cây cối và mong muốn để lại cho đời 1 cánh rừng.

“Gia đình từng trồng cà phê, hồ tiêu nên nếm đủ vất vả, lam lũ. Lúc Tuấn bén duyên với nghề trồng và khai thác nhựa thông, tôi bán hết đất vườn, cùng con vào giữa rừng thông sinh sống. Khi Tuấn vướng phải vòng lao lý vì chặt cây thông chết, tôi rất ức nhưng không nản; luôn động viên con thực hiện tiếp dự định của mình. Hằng ngày, tôi chạy xe máy đi vòng quanh khu rừng thông để trông coi, bảo vệ. Mong sao dự án trồng thông lấy nhựa của Tuấn thành công, thúc đẩy phong trào trồng rừng, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa tạo thu nhập bền vững cho người trồng”, ông Tiến nói.

Nói về dự định sắp tới, anh Tuấn cho hay, đang lập dự án xin chính quyền cho thuê đất mở nhà máy thu mua, sơ chế nhựa thông. Đây là bước khởi đầu, đặt nền móng cho ngành trồng và khai thác nhựa thông trên địa bàn. Ngoài ra, anh cũng đang xin UBND tỉnh Đắk Nông cho khai thác lại nhựa thông trên những cánh rừng trưởng thành. Anh khẳng định, nếu lấy nhựa thông đúng cách, sẽ không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, đồng thời tạo ra một nguồn thu đáng kể, giúp những hộ giữ rừng ổn định cuộc sống, có thêm kinh phí tái tạo rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song (Đắk Nông) cho biết, trồng lại rừng thông là nhiệm vụ quan trọng mà địa phương đề ra cũng như yêu cầu của UBND tỉnh. Huyện đang triển khai mô hình giao khoán rừng cho người dân bảo vệ, chăm sóc. Việc anh Tuấn đầu tư phát triển nghề trồng thông lấy nhựa được địa phương khuyến khích.

MỚI - NÓNG