Mỹ, Nga, Trung và trò chơi ‘Tam quốc diễn nghĩa’
Không quá khi nói rằng an ninh và hòa bình thịnh vượng trên thế giới giai đoạn hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào tiếng nói và quyết định của ba cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga mà đại diện là các ông Barack Obama, Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Trong những ngày gần đây, tình hình an ninh thế giới bị ảnh hưởng nặng nề từ những sự kiện đang xảy ra trên lãnh thổ của Syria. Quan điểm của nước Mỹ và người đứng đầu Nhà Trắng đã quá rõ ràng, Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Phiên họp của Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ về vấn đề tiến hành cuộc can thiệp quân sự chống Syria có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Ngoại giao Robert Menendez tuyên bố ông từng bỏ phiếu chống chiến tranh ở Iraq và ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan, nhưng hôm nay ông ủng hộ quyết định của tổng thống can thiệp quân sự ở Syria. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker nhất trí hành động sử dụng vũ khí hóa học phải bị trừng phạt và nhấn mạnh rằng Mỹ đang gửi cho Syria "những thông điệp không rõ ràng" hỗ trợ phe đối lập chưa hiệu quả. Corker muốn hiểu rõ hơn tại sao tình hình Syria rất quan trọng đối với Mỹ và hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria sẽ ảnh hưởng thế nào đến khu vực.
Tàu sân bay Mỹ thường trực ở Địa Trung Hải, sẵn sàng khai hỏa tấn công Syria. |
Cũng có những ý kiến mạnh mẽ phản đối việc can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria là không hợp lý và những ý kiến cho rằng “người Mỹ không cần chiến tranh” nhưng Bộ trưởng bộ quốc phòng Chuck Hagel cho rằng không có những hành động cụ thể mạnh mẽ ở Syria sẽ gây tổn thất cho an ninh quốc gia Mỹ và tuyên bố: “Lời nói của nước Mỹ phải có ý nghĩa đối với thế giới.” Với kết quả 10 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã mở cánh cửa đầu tiên sự can thiệp quân sự nhằm lật đổ chính thể Bashar al-Assad.
Vấn đề còn lại chỉ là một sự ủng hộ của Hạ Viện Mỹ, mà cộng đồng thế giới đã biết gần như chắc chắn kết quả. Chỉ một điều còn lại, ngày nào những quả tên lửa Tomahawk và AGM-86 sẽ phát nổ trên đất nước Syria đang bị tàn phá nặng nề bởi cuộc nội chiến giữa quân đội của chính quyền ông Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy của các chiến binh Hồi giáo, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi Mỹ và đồng minh Anh, Pháp, Arab Saudi, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ. Thế giới tập trung sự chú ý vào tổng thống Nga Putin và lắng nghe từng chuyển động của Trung Quốc, quốc gia đến giờ vẫn im lặng một cách khó hiểu.
Trong tình huống một cuộc can thiệp vũ trang sắp nổ ra, ngay từ thời điểm đầu tiên. Quan điểm của Nga rất rõ ràng và cụ thể. Trong buổi họp báo tổng kết kết quả của hội nghị thượng đỉnh G-20 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định : "Chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ Syria. Tiếp tục như hiện nay chúng ta đang giúp đỡ và hợp tác với Syria. Chúng ta (Nga) sẽ cung cấp vũ khí trang bị, hợp tác hữu nghị trong lĩnh vực kinh tế. Hy vọng rằng chúng ta sẽ viện trợ nhân đạo ủng hộ cho những người dân, những cộng đồng dân cư đang nằm trong tình trạng vô cùng khó khăn của cuộc nội chiến” – ông trả lời câu hỏi của phóng viên, liệu Nga có ủng hộ và giúp đỡ Syria trong trường hợp Mỹ và đồng minh tấn công trừng phạt Syria.
Nga cũng đã điều động tàu khu trục cỡ lớn Moskva đến khu vực Địa Trung Hải. |
Tại thời điểm này, các nhà lãnh đạo thế giới đang nghiên cứu hai khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Ngay từ thời điểm ban đầu các nhà chính trị gia đã ủng hộ một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria, chính xác là tiến hành các cuộc đàm phán, được biết đến với tên gọi là “Geneva – 2”. Tất cả các vấn đề về kỹ thuật và hậu cần chuẩn bị cho đàm phán đã sẵn sàng, để tiến hành hội nghị chỉ cần có sự sẵn sàng tham gia của chính quyền Syria và lực lượng đối lập.
Nhưng cũng đã xuất hiện phương án thứ hai mà Mỹ đã đưa ra trong những ngày gần đây – sử dụng sức mạnh quân sự. Ý đồ can thiệp vũ trang vào tiến trình xung đột ở Syria được ông Barack Obama đưa ra sau khi Nhà trắng công bố một báo cáo với nhưng thông tin thu thập được của tình báo, trong đó cáo buộc chính quyền Bashar al-Assad đã tiến hành cuộc tập kích hóa học vào dân thường ngày 21.08.
Ngày 4.9 trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Channel One và hãng thông tấn AP, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ không loại trừ sự đồng thuận của Moscow cho hành động can thiệp quân sự vào Syria nếu chứng minh được Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, nhưng chỉ khi có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hai ngày trước đây, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định, can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria sẽ tăng cường thêm những vấn đề nhân đạo trong khu vực. Bình luận về tình hình cuộc khủng hoảng Syria, ông Tần Cương tuyên bố: "Chúng tôi cần phải thuyết phục các nước tham gia vào hành động can thiệp vũ trang, hãy suy nghĩ cẩn trọng về những hậu quả có thể xảy ra. Thực tế những năm gần đây cho thấy, các giải pháp vũ trang hoàn toàn không giải quyết được những xung đột phức tạp tương tự như tình hình Syria hiện này. Ngược lại, can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột nội bộ sẽ chỉ tạo ra nhiều vấn đề có tính nhân đạo trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy thận trọng tối đa trong hành động ".
Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của hải quân Trung Quốc . |
"Trung Quốc kiên quyết chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học của bất cứ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào. Chúng tôi cho rằng, sứ mệnh điều tra của thanh sát viên Liên hiệp quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mọi hành động phải căn cứ trên kết quả của cuộc điều tra và không ai được phép can thiệp và gây áp lực lên các thanh sát viên trong tiến trình điều tra. Chúng tôi cũng cho rằng, mọi hoạt động liên quan đến Syria chỉ được tiến hành sau khi có nghị quyết tương ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, cần được tuân thủ trong mọi quan hệ đối ngoại hiện nay”- ông Tân Cương nhấn mạnh khi phát biểu với phóng viên tờ Russia Today.
Theo Tần Cương, Trung Quốc và Nga có cùng quan điểm nhất quán về vấn đề Syria. Hai nước cùng kêu gọi các bên liên quan cẩn trong với những hậu quả có thế xảy đến khi tiến hành các hoạt động quân sự bỏ qua sự đồng thuận của Liên Hợp quốc. Cùng với những tuyên bố từ phía Bộ ngoại giao Trung Quốc, các nguồn tin không chính thức đã xác nhận sự hiện diện của chiến hạm đổ bộ Jinggangshan (Tĩnh Cương Sơn), số hiệu 999 đang trên đường tiến vào kênh đào Suez. Với lượng giãn nước lớn, tàu đổ bộ có thể mang theo các xuồng đổ bộ đệm khí hoặc hàng hóa, cơ sở vật chất hiệu dụng có kích thước rất lớn.
Một quả tên lửa bay lên sẽ mở ra cánh cửa địa ngục
Dưới tiêu đề này là một bài bình luận được đăng trên một tờ báo có xu hướng ủng hộ nhà nước Syria xuất bản tại Lebanon, tờ Al-Akhbar. Tác giả của bài bình luận là Ibrahim al-Amin viết: "Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm sau khi ông Barack Obama tuyên bố rằng ông cần sự chấp thuận của Quốc hội cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, nhưng những người thực sự hiểu điều này đã phải sống ba ngày nặng nề nhất kể từ sự kiện tan rã của nhà nước Xô Viết và Hiệp ước quân sự Vacsava.
Tác giả Amin cho rằng cuộc tấn công hóa học ở miền đông Huta là một hoạt động phối hợp giữa "Mossad" và Bộ trưởng Bộ tình báo Saudi Hoàng tử Bandar bin Sultan. Người Mỹ với hành động khiêu khích này, đang hy vọng bước nhượng bộ chính trị của các nước ủng hộ nhà nước Syria – Iran và Nga. Từ đó người Mỹ tin tưởng sẽ loại bỏ được ông Assad và điều đó sẽ dẫn đến một giải pháp chính trị kết thúc cuộc xung đột có lợi cho phe đối lập. Nhưng cả Iran lẫn Nga đều không lùi bước trước hành động khiêu khích này, điều này khiến cho Mỹ phải có những quyết định liều lĩnh.
Quân đội Iran diễn tập phóng tên lửa. |
Amin khẳng định “trục kháng chiến” (các tổ chức ủng hộ Syria và chống Mỹ” chờ đợi cuộc tấn công bất cứ lúc nào. Nga dường như đang duy trì một lực lượng quân sự ven bờ Địa Trung hải nhằm chuẩn bị cho một “cuộc đối đầu nghiêm trọng”. Trong khi đó lực lượng Hải quân, Không quân và tên lửa Iran đã chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Quân đội Syria tạm ngừng các chiến dịch tấn công lực lượng đối lập và chuẩn bị cho chiến dịch phản kích chống lại đòn tấn công từ phương Tây.
Lực lượng "Hezbollah" cũng đã đưa tất cả các dàn phóng tên lửa của mình vào trạng thái sẵn sàng tấn công. Khác hẳn so với những lần trước lần này "Hezbollah" thay đổi chiến thuật, họ sẽ tấn công Israel, đồng minh của Mỹ từ lãnh thổ Syria – nhằm tránh cho Lebanon, hậu phương của họ khỏi sự phản kích. "Hezbollah" cũng tuyên bố tổng động viên các “chiến binh của lực lượng Hồi giáo kháng chiến” và khởi động tất cả các trận địa tên lửa trên toàn bộ khu vực.
Các chiến binh Hezbollah trong một cuộc diễu hành ở Beirut.. |
Người Mỹ và các đồng minh nhận được một tối hậu thư: "Chúng tôi không thể chấp nhận được cái gọi là “đòn tấn công tượng trưng” hoặc “sự trừng phạt hình thức”. Chỉ cần một quả tên lửa bay trong không phận của Syria sẽ mở ra cánh cửa địa ngục và đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh quy mô lớn”. Người Nga cũng biết về tối hậu thư này. Amin cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là dấu hiệu bắt đầu một thời đại mới của lịch sử nhân loại – một thời đại mà không có sự thống trị toàn cầu và quyền quyết định của Mỹ.
Cuộc chiến nguy hiểm của ông Obama
Theo thông tin từ Washington, đại đa số các nghĩ sĩ thuộc Hạ Nghị viện Mỹ biểu quyết chống lại cuộc can thiệp vũ trang vào Syria. Một số lượng rất lớn các nghị sĩ đã kiên quyết chống lại cuộc can thiệp quân sự của chính phủ Mỹ vào Syria. Bốn cơ quan thông tấn lớn nhất của nước Mỹ theo dõi những ý kiến của các nghị sĩ tại Hạ viên đã công bố xu hướng kết quả dự báo của Hạ viện, số phiếu chống can thiệp vũ trang chiếm tỷ lệ áp đảo so với số phiếu thuận ủng hộ cuộc can thiệp.
Theo ABC News: " Sau một tuần nghe các báo cáo đầy đủ của chính phủ ông Barack Obam về tình hình Syria, tổng thống vẫn chưa có đủ số phiếu để có thẩm quyền tiến hành một cuộc can thiệp vào Syria." Thống kê có 199 Nghị sĩ chống can thiệp vũ trang: 63 "không", 136 "nghiêng về phía Không". 45 nghị sĩ đồng thuận cho cuộc can thiệp vũ trang: 20 "có", 25 "có xu hướng có".
Theo tờ Washington Post: "Hiện nay, các thành viên của Hạ nghị viên giữ quan điểm hoài nghi về nguyên nhân cần can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, mặc dù có những báo cáo của tình báo Mỹ cho rằng chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường". 178 nghị sĩ chống lại sự can thiệp quân sự: 86 "Không", 92 "Xu hướng Không".Chỉ có 19 nghị sĩ nhất trí cho cuộc can thiệp vũ trang.
Tờ Fire Dog Lake nhận xét: "Các nhà lãnh đạo đang ảo tưởng về “động lực” từ phía các nhà lập pháp, nhưng thật không may, số lượng những người phản đối cuộc can thiệp vũ trang lớn hơn hẳn so với những người ủng hộ”. 144 nghị sĩ không đồng ý tấn công Syria 48 "Không", 96"Xu hướng Không". 58 nghị sĩ đồng tình cho cuộc tấn công 28 "Có", 30 "Xu hướng có".
Theo tờ The Hill: ""Nhà Trắng hiện phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhằm thuyết phục được đa số trong Hạ viện và Thượng viện đồng thuận bỏ phiếu cho cuộc tấn công quân sự vào Syria." 89 Nghị sĩ phản đối cuộc tập kích vào Syria "Không và xu hướng Không".28 Nghị sĩ ủng hộ cuộc tập kích "Có và xu hướng Có".
"Đại đa số các nghị sĩ của cả hai đảng đều nhận thức được rằng một cuộc tấn công đơn phương của Mỹ vào Syria không phải là trách nhiệm của chúng ta, cuộc tấn công không mang lại một điều gì cả, đây là một cuộc tấn công đắt đỏ và nguy hiểm”- Nghị sĩ Alan Grayson, lãnh đạo của nhóm các nghị sĩ chống lại cuộc tấn công vào Syria tuyên bố. Nghị sĩ Alan Grayson là đại biểu của khu vực bầu cử số 9 thuộc bang Florida, bao gồm hạt Osceola và các bộ phận của hạt Orange và Polk. Trước đây ông đã là Nghị sĩ của khu vực bầu cử số 8 của bang Florida trong nhiệm kỳ quốc hội thứ 111.
Như vậy cuộc chiến của ông Obama trong tình hình hiện tại thật sự vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Một cuộc can thiệp vũ trang bắt buộc phải diễn ra, một tương lai nguy hiểm đang chờ nước Mỹ và các đồng minh của họ ở phía trước. Sẽ có một Iraq mới hay đây cũng chỉ là giải pháp “hạ cánh an toàn” của tổng thống Mỹ, và giải pháp này có an toàn hay không? Không ai có thể khẳng định được điều gì, có một điều chắc chắn, càng ngày càng có nhiều người Hồi giáo căm ghét chính quyền Mỹ hơn cũng như người dân Mỹ đi ra nước ngoài càng ngày càng cảm thấy nguy hiểm hơn. Cũng dễ hiểu khi ông Obama rất cần một dấu ấn lịch sử, nhưng hậu quả của cuộc chiến Syria cũng có thể là một khởi đầu cho một sự lan tỏa của chủ nghĩa khủng bố mới, nguy hiểm hơn.
Trịnh Thái Bằng
Theo Ria. Novosti, Bình luận quân sự-Nga