Syria - 'Kịch bản Libya'

Syria - 'Kịch bản Libya'
TP - Tổng thống Syria Bashir Al-Assad hiện đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn: quyền lực khó giữ, nguy cơ nội chiến đang tới gần.

> Bóng ma nội chiến bao trùm Syria

Bên ngoài, áp lực đối với ông từ các nước trong khu vực và từ phương Tây ngày càng gia tăng. Các đồng minh của ông ở nước ngoài ngày càng thưa vắng và dần dần thay đổi thái độ.

Syria - 'Kịch bản Libya' ảnh 1

Nước Nga lâu nay vẫn cùng Trung Quốc bảo vệ ông tại HĐBA LHQ thì nay không còn vững tin vào lập trường của mình nữa. Sau quyết định mới đây của Liên đoàn các nước A Rập (tạm khai trừ Syria khỏi Liên đoàn và gửi tối hậu thư tới Chính phủ Syria, đòi Syria phải ngừng ngay hành động bạo lực đối với lực lượng đối lập), tình hình đã thay đổi.

Quốc vương Jordanie Abdullah II công khai kêu gọi ông Assad từ chức, các nước châu Âu quyết định thi hành những biện pháp trừng phạt mới đối với Syria và ban lãnh đạo nước này, Liên đoàn các nước A Rập tạm ngừng tư cách thành viên của Syria, Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo ban lãnh đạo Syria, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn đối với Syria...

Những sự việc ấy đã đủ sức làm lung lay nền tảng của chế độ Syria hiện nay và làm tăng thêm khuynh hướng đào ngũ, kể cả trong quân đội. Dường như “kịch bản Libya” đang lặp lại ở Syria.

Nước Pháp thông qua Bộ trưởng Ngoại giao của mình lên tiếng kêu gọi tìm biện pháp bảo vệ thường dân khỏi “chế độ khát máu Assad”, tương tự như đã từng làm với đại tá Gaddafi của Libya.

Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc. Washington đã kêu gọi Liên đoàn các nước A Rập nhân dịp này gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn đến Tổng thống Assad để ông hiểu rằng cần chấp nhận “quá trình cải cách dân chủ” và “chấm dứt sử dụng bạo lực chống lại nhân dân mình”.

Thổ Nhĩ Kỳ - nước láng giềng của Syria và đồng thời cũng là nước hăng hái nhất trong chiến dịch chống Syria hiện nay - đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Liên đoàn các nước A Rập và quyết định ngừng hợp tác với Syria trong lĩnh vực thăm dò dầu mỏ, đồng thời nhấn mạnh khả năng xem xét lại điều kiện cung cấp điện cho Syria.

Vào thời điểm hiện nay, Syria quả thật đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Làn sóng du khách cạn kiệt, thương mại xuống dốc, sản lượng khai thác dầu mỏ giảm mạnh bởi vì chính quyền không tìm được nguồn tiêu thụ. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, với những khó khăn về chính trị, kinh tế như vậy, việc Tổng thống Assad sụp đổ không còn là giả thiết nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG