Syria đang bị bao vây

Syria đang bị bao vây
TPO – “Syria đang bị bao vây” là cụm từ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông quốc tế những ngày qua sau khi Mỹ và NATO liên tục tăng quân giáp biên giới trên biển cũng như trên bộ với Syria.
Một loạt hệ thống Patriot đang được triển khai trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria
Một loạt hệ thống Patriot đang được triển khai trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Thông tin mới nhất từ Iran hôm nay, ngày 10-12, cho biết, Mỹ đã bí mật đưa 3.000 quân vào các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq. Nguồn tin cũng cho biết, lực lượng này được điều động từ các đơn vị quân đội Mỹ lên tới 17.000 quân đang đóng quân trên Kuwait, và “liên quan tới tình hình chiến sự đang diễn ra ở Syria”.

Cùng ngày, các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị đưa nhóm chiến binh Hồi giáo người Syria có tên "Jabhat al-Nusra", hiện đóng vai trò hàng đầu trong chiến dịch quân sự chống Chính phủ của ông Bashar al-Assad, vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Theo các báo cáo gần đây, nhóm al-Nusra - có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda - hiện có khoảng 10.000 chiến binh, trong đó có nhiều người Hồi giáo nước ngoài đã bí mật thâm nhập lãnh thổ Syria.

Cuối tuần trước, báo chí thế giới bắt đầu xuất hiện tin tức về việc quân đội Mỹ tổ chức huấn luyện cho trường hợp can thiệp quân sự vào Syria.

Tờ báo Đức Frankfurter Rundschau dẫn nguồn tin mật từ Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã thực hiện tập trận xử lý các thao tác can thiệp quân sự vào Syria, triển khai hoạt động của điệp viên CIA phối hợp với phe đối lập trên lãnh thổ Syria. Đồng thời, tên lửa Patriot Mỹ bắt đầu được triển khai trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Trước đó, ngày 5-12, Mỹ đã điều động hàng không mẫu hạm USS Eisenhower mang theo 8 phi đội máy bay ném bom và 8.000 lính thủy đánh bộ, hội quân với một nhóm tàu tấn công đổ bộ đến phía Đông Địa Trung Hải gồm tàu USS Iwo Jima, USS New York và USS Gunston Hall cùng 2.500 lính thủy tại vùng biển gần hải phận Syria. Tổng cộng, sau khi triển khai 2 lực lượng, hiện nay Mỹ có 17 tàu chiến, 70 máy bay ném bom và 10.000 binh sĩ đồn trú gần quốc gia Trung Đông này.

Những động thái của Washington cho thấy, Mỹ dường như đã sẵn sàng can thiệp vào tình trạng bất ổn của Syria mà trước đây chính quyền tổng thống Obama từng tuyên bố sẽ không có bất cứ hành động quân sự nào vào nước này.

Hàng không mẫu hạm USS Eisenhower gần hải phận Syria
Hàng không mẫu hạm USS Eisenhower gần hải phận Syria .

“Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ tuyên bố không can thiệp vào Syria trước để thực hiện các hoạt động quân sự khi tổng thống Bashar al Assad có ý định sử dụng vũ khí hóa học chống lại phe đối lập”.

“Quyền lực ông Assad sắp bị ‘uốn cong’. Có nhiều phương thức can thiệp vào bất ổn ở Syria, song hành động quân sự, chỉ cần vài ngày là cách can thiệp nhanh và hiệu quả nhất”, London Times dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ.

Việc Mỹ điều tàu sân bay tới Syria là động thái diễn ra sau khi NATO quyết định triển khai tên lửa Patriot tới vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. “NATO triển khai phòng thủ ở ba quy mô, bao gồm phòng thủ tầm Patriot, tầm trung THAD và hệ thống Aegis đánh chặn tên lửa”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện trong cuộc họp báo giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Voice of Russia mô tả cuộc họp báo diễn ra hồi cuối tuần qua giữa nguyên thủ hai nước cho biết. Một nhà báo địa phương đã nêu câu hỏi với nhà lãnh đạo Nga, vì sao Moscow phản đối ý định của NATO, “bởi trên thực tế không có gì đảm bảo rằng lực lượng của ông Assad sẽ không sử dụng ‘vũ khí hạt nhân’ để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tổng thống Nga đáp lại: “Quí vị đùa hay sao? Chẳng lẽ Syria có vũ khí hạt nhân? Rõ ràng, đây là sự chuyển ngữ không đúng. Syria không phải là cường quốc hạt nhân. Còn về chuyên bố trí các tên lửa Patriot, thì chúng tôi chia sẻ mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến những sự kiện tại vùng biên giới.

Chúng tôi kêu gọi kiềm chế, vì rằng tạo ra khả năng bổ sung nào đó sẽ không giúp tháo gỡ tình hình biên giới. Mà trái lại, sẽ làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi không phải là những người bảo vệ chế độ hiện tại ở Syria. Chúng tôi quan tâm về cái khác – điều gì sẽ đến trong tương lai. Trước khi thực hiện bước đi nào đó, cần cân nhắc về hậu quả tiếp đến có thể ra sao”.

Nga - Mỹ tiếp tục bất đồng trong vấn đề Syria
Nga - Mỹ tiếp tục bất đồng trong vấn đề Syria.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo về những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn từ việc NATO triển khai Patriot tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Người đứng đầu Điện Klemlin khẳng định, vẫn còn cơ hội dành cho giải pháp chính trị đưa Syria ra khỏi bế tắc.

Tới đây, các quan chức Nga và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với ông Lakhdar Brahimi - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn A-rập (LAS) về Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm Bắc Ireland hôm 8-12, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Mỹ, Nga và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận thảo luận để đẩy nhanh tiến trình hòa bình tại Syria.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán về tình hình Syria, mà bà đã tiến hành trước đó với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ông Brahimi đã không đạt được "bước ngoặt quan trọng".

Theo Viết
MỚI - NÓNG