Sỹ tử khốn đốn vì thi thử đại học

Sỹ tử khốn đốn vì thi thử đại học
Tình trạng tổ chức thi thử đại học tràn lan, liên miên không chỉ tại các trung tâm luyện thi, mà ngay cả trong các trường học cũng đang ít nhiều khiến thi thử đại học trở nên phản tác dụng. Trường tăng cường “thi”, trung tâm “giăng” thử thách

Sỹ tử khốn đốn vì thi thử đại học

> Thi thử đại học... trúng thưởng!?

Tình trạng tổ chức thi thử đại học tràn lan, liên miên không chỉ tại các trung tâm luyện thi, mà ngay cả trong các trường học cũng đang ít nhiều khiến thi thử đại học trở nên phản tác dụng. Trường tăng cường “thi”, trung tâm “giăng” thử thách

Thi thử ĐH được coi là phương pháp giúp học sinh có thêm kinh nghiệm
Thi thử ĐH được coi là phương pháp giúp học sinh có thêm kinh nghiệm "cọ xát". Ảnh: Quỳnh Anh.

Thi thử đại học trong nhiều năm qua đã được coi là phương pháp giúp học sinh cọ xát với thi đại học, ít nhiều giúp các sỹ tử đánh giá năng lực của mình trước khi chính thức “lâm trận”. Hầu hết các trường cấp ba tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước hiện nay đều tổ chức các kì thi thử đại học. Những kì thi được chuẩn bị công phu, từ việc ra đề theo đúng “chuẩn” của Bộ giáo dục.

Việc tổ chức phòng thi, số báo danh, coi thi, chấm thi cũng chặt chẽ không kém thi thật. Tất cả nhằm tạo ra một môi trường cho các thí sinh thử sức, một cách đánh giá năng lực học tập của học sinh trước ngày thi. Tuy nhiên, tình trạng tổ chức thi thử đại học tràn lan, liên miên không chỉ tại các trung tâm luyện thi, mà ngay cả trong các trường học cũng đang ít nhiều khiến thi thử đại học trở nên phản tác dụng.

“Trường em một tháng tổ chức thi thử đại học một lần, điểm thi thử được tính vào các bài kiểm tra nhân hệ số hai. Mà lần nào đề thi của trường cũng khó “nhăn”, chúng em đối phó với ba, bốn môn thi cũng đủ mệt lả”- Thu Hằng- học sinh lớp 12 trường THPT H.B.T chia sẻ. Hằng cho biết, những năm học trước, nhà trường chỉ tổ chức thi thử 1- 2 lần/ năm. Nhưng năm nay tần suất đã lên tới… 4- 5 lần thi với lý do muốn các em “cọ xát” nhiều hơn.

Không chỉ thi thử đại học ở trường, nhiều em học sinh do lo lắng, lại tìm đến các lò luyện để thử sức thêm. Tình trạng tổ chức thì thử tràn lan của các trung tâm luyện thi đại học càng có cớ để nở rộ. Mặc dù có số lượng người học ôn không đông như mọi năm nhưng lượng thí sinh thi thử đại học trong các kì thi của trung tâm luyện thi trên đường Lê Thanh Nghị- Hà Nội chưa khi nào tụt giảm, thậm chí còn tăng. Lý do là vì, học sinh năm nay thích tự ôn, tự học ở nhà hơn nên ít đăng kí các lớp luyện thi. Nhưng thi thử thì chẳng lúc nào “ế”, vì đánh trúng tâm lý muốn “thử” của các em.

Qua khảo sát, lệ phí một kì thi thử tại các trung tâm giao động từ 120- 150 thậm chí 200 nghìn. Các thí sinh sau khi đăng kí sẽ được tham gia dự thi ngay tại các điểm học ôn của trung tâm, sau khoảng nửa tháng thì có kết quả.

Em Trần Quang Minh- THPT Mê Linh- HN từng khăn gói lên thi thử đại học tại một trung tâm luyện thi gần ĐH Bách Khoa Hà Nội kể lại: “Trường em cũng tổ chức thi thử nhưng chúng em vẫn muốn lên Hà Nội thi thử cho biết. Nhưng lần vừa rồi đi thi về em càng thấy chán. Trung tâm hứa hẹn rất hay nhưng khi tổ chức thi thì lộn xộn lắm. Bọn em ngồi ngồi sát nhau vì phòng thi chật. Chỉ có một giám thị/ phòng và thí sinh thì nói chuyện riêng ồn ào, hỏi bài nhau thoải mái.”

Xem lướt qua đề thi của trung tâm nọ, có thể thấy đề cũng có cấu trúc gần giống với quy định của Bộ thật. Thế nhưng tính chất, mức độ đề có tốt hay không thì chẳng ai dám chắc.

Người viết bài không khỏi lo lắng cho các thí sinh đã và đang đặt trọn niềm tin vào những kì thi thử ĐH kiểu này. Khi hỏi một thí sinh, thi thử đại học làm gì có chuyện “xuê xoa” dễ dãi thế này, em chỉ cười. “Biết thì biết vậy nhưng em vẫn thi cho yên tâm. Bạn bè em ai cũng đi thi thử, mình cũng đi cho biết thôi chị ạ!”

Sỹ tử thì “mơ hồ”, đi thi theo kiểu rỉ tai nhau, không hiểu những kì thi như thế này đánh giá được đến đâu năng lực thật của người học?

Lạm dụng thi thử ĐH có thể gây phản tác dụng đối với người học. Ảnh: Quỳnh Anh
Lạm dụng thi thử ĐH có thể gây phản tác dụng đối với người học. Ảnh: Quỳnh Anh.

Sỹ tử hoang mang

Vừa hoàn tất kì thi thử ĐH tại trường của mình, Phí Đức Long- Học sinh trường THPT Trần Phú- HN gần như phát hoảng vì độ khó của đề. “Em làm được chỉ hơn 50 %. Cả ba môn đều khó quá. Kiểu này thi thật chắc em trượt chắc”- Long rầu rĩ chia sẻ.

Tệ hơn thế, so sánh với kết quả thi thử tại một trung tâm luyện thi trước đó, Long càng nản hơn. Bởi kết quả đó cũng không như em mong đợi. Vậy là mặc chị gái, bạn bè động viên, Long vẫn héo như tàu lá chuối vì lo lắng. Vào thời điểm này, những học sinh lớp 12 như Long phải chịu rất nhiều áp lực: Áp lực gia đình, nhà trường, áp lực bản thân với hai chuyện trượt- đỗ.

Bởi vậy, nếu tâm lý không vững vàng, chỉ một kì thi thử không như ý cũng có thể khiến các em mất tinh thần, thậm chí rơi vào tình trạng uể oải, chán nản với việc học.

Nguyễn Tuấn Anh- ĐH Bách Khoa Hà Nội, “cựu” học sinh trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: “Một kì thi thử đại học cũng hết sức căng thẳng. Ôn tập, thi, rồi ngóng đợi kết quả, lúc nào tâm lý học sinh cũng căng như dây đàn. Kết quả tốt thì còn đỡ, kết quả không cao, bố mẹ thúc ép, bạn bè xôn xao, tinh thần xuống nhanh lắm.”

Soi vào thời khóa biểu của một học sinh lớp 12 một trường khá uy tín ở Hà Nội, nhiều người không khỏi “choáng” vì lịch học dày đặc: Sáng học trên lớp, chiều ôn thi tốt nghiệp trên trường, 5h30 chiều về nhà rồi đi học ôn tại trung tâm gần nhà tới 9h tối. Ngày chủ nhật cũng chi chít học và học như thế. Lịch ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học của em đã nặng giờ lại càng nặng hơn vì lo đối phó với ôn thi thử đại học.

Có nhiều cách để chuẩn bị cho kì thi Đại học và thi thử ĐH có những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, việc lạm dụng thi thử có thể dẫn đến những vấn đề phản tác dụng khó lường.

Những phương pháp giảm áp lực mùa thi:

Nhằm giảm áp lực mùa thi, các các “sỹ tử” nên lạc quan, có niềm tin vào bản thân. Đồng thời cũng cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý để đón nhận thất bại (nếu có) và kiên trì phấn đấu vươn lên.
Cần có kế hoạch ôn tập điều độ, tránh tình trạng học dồn vào những ngày sắp thi. Nên ôn xen kẽ các môn trong ngày để tránh nhàm chán.

Mỗi người nên chọn một thời điểm ôn tập phù hợp trong ngày. Nếu học khuya thì nên kết thúc trước 11 giờ, tối đa là 12 giờ, vì thức khuya liên tục không tốt cho sức khỏe. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần, rất dễ bị stress.

Đối với phụ huynh học sinh, nên cho con học tập và sinh hoạt đúng giờ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Kiểm tra động viên các em thực hiện kế hoạch ôn tập hợp lý. Tổ chức các hoạt động thư giãn trong gia đình để các em cùng tham gia. Nên tạo động lực cho con bằng những viễn cảnh tươi đẹp.

Theo Quỳnh Anh
VietNamNet

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ngày lễ độc thân 11/11, giới trẻ hờ hững săn sale
Ngày lễ độc thân 11/11, giới trẻ hờ hững săn sale
TPO - Thay vì mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, một số bạn trẻ thức đêm để săn sale trên các sàn thương mại điện tử trong ngày lễ độc thân 11/11 nhưng sức mua không mạnh. Thậm chí, nhiều bạn không mấy quan tâm đến ngày có số đẹp này mà chỉ rủ bạn bè tới quán cà phê để trò chuyện.