Suốt 5 tháng đi dạy, thầy giáo nhận lương chưa đến 900 nghìn: Sống thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Một thầy giáo làm thêm nghề phu hồ khi đồng lương còn eo hẹp.
Một thầy giáo làm thêm nghề phu hồ khi đồng lương còn eo hẹp.
TPO - Giáo viên trong nghề cho rằng, muốn tăng lương cho giáo viên thì cần tinh giản biên chế giáo dục, xây dựng hệ thống quản lí hiện đại trong nhà trường để đảm bảo năng suất lao động trong nhà trường. Tránh tình trạng “nuôi biên chế sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. 

Trước thực trạng thu nhập từ lương, phụ cấp của giáo viên, nhất là giáo viên trẻ còn khá thấp, chưa tương xứng với nghề giáo, thạc sỹ Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT Chuyên (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, quả thực, khi giáo viên sống được bằng lương nhiều người sẽ có nhiều thời gian hơn cho đầu tư chuyên môn, phương pháp, kĩ năng giảng dạy, có nhiều thời gian hơn cho học sinh và khi đó họ dần hoàn thiện hơn trong vai trò của một nhà giáo dục đối với học trò.

Hơn nữa, theo thầy Công, có một thực trạng đáng buồn là một số bạn bè của ông, giáo viên trường chuyên ở một số tỉnh sau một thời gian tham gia các hoạt động ngoài giáo dục thấy quen dần, thu nhập trở nên cao hơn rồi thời gian dành cho học trò, trường lớp không còn nhiều nữa, tình yêu nghề suy giảm và họ xin nghỉ không lương chỉ để đóng bảo hiểm thậm chí là bỏ nghề.

Cần định nghĩa rõ lương ‘đủ sống” là thế nào?

Thạc sỹ Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT Chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: khi mới vào nghề năm 2007, được nhận làm giáo viên hợp đồng thử việc ở một trường tại Hà Nội, tôi dạy 2 tiết mỗi tuần, mỗi tiết 24.000đ và trả lương theo học kì. Lần đầu tiên trong đời đi nhận lương cho 5 tháng dạy được 960.000đ, trừ đi thuế còn 864.000đ – cầm số tiền lương trên tay mà ngậm ngùi đặt câu hỏi “sống thế nào?”.

Cũng theo thầy Công, câu hỏi sống thế nào với đồng lương nhận được cũng chẳng riêng gì của cá nhân mà của rất nhiều giáo sinh mới vào nghề khác. Giáo viên trẻ mới ra trường nếu gia đình không có điều kiện thường phải vật lộn làm thêm nhiều việc mới đủ kinh phí trang trải cho cuộc sống, nhất là các giáo viên bám trụ lại thành phố nơi sinh hoạt phí đắt đỏ”- thầy Công nói.

“Để nói rằng lương và phụ cấp nghề giáo còn thấp, chưa tương xứng với nghề giáo thì phải đứng trên các khía cạnh khác nhau để nhận xét. Với những người ngoài nghề, họ sẽ nói rằng “nghề nào cũng là nghề cao quý, miễn là nghề chân chính, lương thiện tạo ra của cải và giá trị cho xã hội, do vậy cần phải tạo ra sự công bằng giữa các nghề nhất là vấn đề lương bổng và phúc lợi xã hội. Nếu cảm thấy khó quá, khổ quá thì bỏ nghề đi mà làm nghề khác”- thầy Công nói.

Thầy Công thừa nhận, trong những người làm nghề giáo viên hay y tế vẫn có nhiều người thu nhập cao, nhưng đó là câu chuyện khác thuộc khía cạnh đầu tư chất xám, tiền bạc, kinh nghiệm để có được thu nhập tốt. Còn với các thầy, cô chỉ sống bám với nghề bằng lương theo hệ số thì không chỉ có giáo viên trẻ mà cả các giáo viên có thâm niên cũng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

“Và do vậy, cần có những thay đổi để lương và phụ cấp của giáo viên phải “đủ sống” như lời của nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu năm 2007, “đến năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương”’- thầy Công nhấn mạnh.

Thầy Công thừa nhận, khi giáo viên sống được bằng lương nhiều người sẽ có nhiều thời gian hơn cho đầu tư chuyên môn, phương pháp, kĩ năng giảng dạy, có nhiều thời gian hơn cho học sinh và khi đó họ dần hoàn thiện hơn trong vai trò của một nhà giáo dục đối với học trò. Nếu lương không đủ sống, như là một nhu cầu tất yếu họ phải bươn chải. Đơn giản nhất là dạy thêm để có thêm thu nhập hay làm các công việc khác như bán hàng online, tư vấn bảo hiểm, môi giới bất động sản hay ở nông thôn thì đào ao, thả cá, nuôi trồng thủy hải sản,..

Tuy nhiên, nếu nói rằng “chỉ khi giáo viên sống được bằng lương thì mới hy vọng vai trò, vị thế của nhà giáo được nâng lên” cũng không hoàn toàn chính xác. Nhu cầu của giáo viên nói riêng hay hầu hết các thành viên khác trong xã hội này nói chung đều tăng lên theo sự phát triển của xã hội.

Vì thế theo thầy Công, cần định nghĩa rõ “đủ sống” là thế nào? Theo tiêu chuẩn nào? Thế nên, nếu nói rằng chỉ khi lương đủ sống thì vai trò và vị thế của nhà giáo mới được nâng lên là không hoàn toàn đúng. Vì với những thầy, cô biết đủ thì họ vốn đã giữ trong mình những phẩm giá của một nhà giáo chân chính rồi, kể cả họ có làm thêm để trang trải cuộc sống thì họ vẫn biết thế nào là đủ để ngay cả các hoạt động làm thêm của họ cũng góp phần tôn lên nét đẹp của nghề giáo.

Còn đối với những thầy cô coi đồng tiền là trên hết thì có tăng thêm lương “đủ sống” thì họ vẫn tìm cách để có thêm, có một muốn mười, có mười muốn trăm. Và theo tôi nghĩ rằng, những người thầy, cô đang làm méo mó hình ảnh của giáo viên kể trên cũng chỉ là số rất ít trong số hàng triệu giáo viên trên đất nước này.

Nhưng như đã nói ở trên, khi lương giáo viên “đủ sống” lo được “cơm, áo, gạo, tiền”, lo cho “con cái được học hành tử tế” thì sẽ có càng nhiều thầy cô không phải cắt xén thời gian, sức khỏe cho hoạt động “tăng gia thu nhập, đảm bảo nhu cầu tương đồng với xã hội” mà tập trung hơn nữa cho học trò, cho hoạt động giáo dục để duy trì, gia tăng vị thế và vai trò của nghề giáo trước xã hội để nhà giáo không bị lao vào “cơn lốc thị trường” và đối mặt với nguy cơ bị tha hóa trong tương lai.

Suốt 5 tháng đi dạy, thầy giáo nhận lương chưa đến 900 nghìn: Sống thế nào? ảnh 1

Thạc sỹ Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT Chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội)

Rà soát lại hiệu quả của các dự án, chấm dứt tình trạng giáo viên “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”

Tăng lương giai đoạn này thì rất khó, khi mà tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vậy làm sao có những giải pháp khả thi để nâng lương, cải thiện vị thế nhà giáo?

Thầy Công cho rằng, hai năm qua ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành dịch vụ cũng phải giảm hay ngừng hoạt động. Không chỉ thu nhập của nhiều người suy giảm mà thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng. Với ngành giáo dục, nhiều thầy cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập nhất là các giáo viên mầm non, trường đóng cửa, lương không có nên nhiều thầy, cô phải chuyển nghề để sống.

Theo thầy Công, để không gây áp lực cho ngân sách Nhà nước thì để tăng lương cho giáo viên chỉ có thể tái cấu trúc lại ngân sách giáo dục, cắt giảm các hoạt động chi tiêu không đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, rà soát lại hiệu quả của các dự án… từ đó có thể cân đối, tăng lương cho giáo viên.

Ngoài ra theo thầy Công, cần đào tạo giáo viên theo “đặt hàng” của xã hội, tập trung việc đào tạo giáo viên vào các trường “sư phạm trọng điểm”. Xây dựng hệ thống dữ liệu nhân lực toàn ngành giáo dục, đảm bảo dự báo trước nhu cầu xã hội và đào tạo đúng nhu cầu xã hội để giáo viên được đào tạo ra thực sự là giáo viên có tâm và có tầm và có việc làm, tránh thất thoát ngân sách khi đào tạo xong giáo viên mà giáo viên lại đi làm nghề khác vì không có việc làm trong ngành.

“Tinh giản biên chế giáo dục, xây dựng hệ thống quản lí hiện đại trong nhà trường để đảm bảo năng suất lao động trong nhà trường. Tránh tình trạng “nuôi biên chế sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Khi số lượng lao động giảm, chất lượng lao động tăng lên thì lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ cho người lao động trong ngành giáo dục phải tăng lên”- thầy Công chia sẻ.

Nghiên cứu, dự báo các dữ liệu dân số, dân cư từ đó phát triển cân đối, hài hòa hệ thống trường công, trường tư thục, duy trì tính cạnh tranh cao giữa hệ thống các trường công và trường tư. Vừa nâng cao chất lượng giáo dục chung, vừa giảm áp lực cho ngân sách trong việc cung cấp kinh phí cho các hệ thống trường công. Xây dựng và phát triển hệ thống các trường “công lập tự chủ” một phần hay bán phần.

“Thay đổi chế độ lương bổng theo năng lực, kinh nghiệm và đóng góp vào nhà trường để kích thích năng suất của người lao động. Xây dựng các hoạt động có thu nhập trong khuôn khổ cho phép của pháp luật như viết tài liệu, xây dựng các cơ chế cho dạy buổi 2 tại trường cũng như các hoạt động có nguồn thu hợp pháp khác”- thầy Công đề xuất.

MỚI - NÓNG