Tất bật làm mâm cỗ đưa đến nhà thờ dòng họ vào chiều 14/7, anh Lê Quang Nhật xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho hay, nhiều tháng qua gia đình nuôi một con gà trống nặng 4 kg và "hôm nay hai vợ chồng thức dậy từ 5h để chuẩn bị".
"Làm gà cúng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận mới tạo được hình dáng như ý, một số vị trí trên thân gà phải dùng nẹp tre và dây buộc cố định", anh Nhật nói.
Theo anh Nhật, sau khi tạo thế thì khâu luộc gà rất quan trọng, "phải dùng nồi lớn, để lửa đều trong khoảng một tiếng và thường xuyên quan sát, nếu lửa không đều sẽ khiến gà bị nứt thịt, rách da".
Anh Lê Quang Mạnh (trú thôn Hồng Lạc) chia sẻ, chuẩn bị cho rằm tháng 7 năm nay, gia đình anh nhờ bạn đặt mua con gà trống nặng 5 kg, giá gần một triệu đồng, đưa từ Đắk Lắk về.
"Muốn có mâm cỗ đẹp phải cầu kỳ từ khâu chọn mua gà, hình thành ý tưởng trang trí từ trước. Để giữ gà tươi màu, không bị thâm đen thì phải ngâm nó qua nước muối pha loãng với tỷ lệ hợp lý", anh Mạnh nói.
Luộc gà xong, công đoạn cuối là tạo dáng gà đứng trên mâm cỗ. Nhiều người thường đặt gà lên mâm xôi, xung quanh trang trí hoa quả... Song với Nhật và Mạnh, năm nào hai anh cũng tạo nét riêng cho gà cúng bằng cách gắn hoa cúc vào miệng, cho đứng trên quả cầu hoặc rùa gỗ.
"Gà lên mâm phải thẳng đứng, cánh ngả về hai bên. Mỗi năm tôi để gà đứng trên một vật khác nhau. Năm nay gia đình chi hơn một triệu làm bệ đỡ gà là con rùa gỗ", anh Nhật cho hay.
Theo ông Lê Quang Hùng, Phó chủ tịch xã Thạch Châu, truyền thống tạo dáng, trang trí gà để cúng rằm, lễ Tết của dòng họ Lê Quang có từ xa xưa, song phát triển mạnh 10 năm trở lại đây và trở thành nét đẹp văn hóa với ý nghĩa tấm lòng của con cháu hướng về tổ tiên.
"Rằm tháng 7 năm nay, các thành viên của dòng họ đưa gần 100 con gà cúng về nhà thờ họ. Cái này là tùy tâm của mỗi người, không ràng buộc", ông Hùng nói và cho hay, nhiều gia đình không có điều kiện tự tạo dáng gà đẹp đã thuê thợ bên ngoài làm, giá 500.000 đồng cho một lần trang trí.