Sức mạnh hệ thống phòng không S-500 của Nga

Hệ thống phòng không S-500 sẽ cùng S-400 (xem ảnh) giúp Nga có thể thiết lập mạng lưới phòng thủ lợi hại. Ảnh: armyrecognition.com.
Hệ thống phòng không S-500 sẽ cùng S-400 (xem ảnh) giúp Nga có thể thiết lập mạng lưới phòng thủ lợi hại. Ảnh: armyrecognition.com.
Nga mới đây tuyên bố, năm 2017 sẽ đưa vào biên chế hệ thống tên lửa phòng không S-500, từ đó nâng khả năng phòng thủ tên lửa của nước này lên mức cao hơn.

Theo một chuyên gia quân sự, hệ thống phòng không S-500 Prometey sẽ cho phép Nga bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi các loại vũ khí siêu thanh của đối phương.

Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự người Nga V.Mu-ra-khốp-xki (Viktor Murakhovsky) cho biết, S-500 là một loại hệ thống phòng không rất tiên tiến, có thể phòng chống máy bay và tên lửa của đối phương cũng như thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. S-500 sẽ thay thế hệ thống S-300 và cùng với S-400, giúp Nga có thể thiết lập mạng lưới phòng thủ lợi hại. Ông Mu-ra-khốp-xki nhận định rằng, S-500 “cho phép Nga có thể bảo vệ một khu vực rộng lớn khỏi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như các loại vũ khí hiện đại khác, trong đó bao gồm tên lửa siêu thanh hiện đang được Mỹ phát triển”. Chuyên gia người Nga nói thêm rằng, S-500 còn có thể tấn công mục tiêu ngoài không gian, trong đó bao gồm các loại vệ tinh được lắp đặt thiết bị do thám. 

Hệ thống tên lửa S-500 được thiết kế bởi hãng Almaz-Antey, có tầm bắn vào khoảng 600km. S-500 có thể đánh chặn 10 tên lửa đạn đạo siêu thanh của đối phương cùng lúc và tiêu diệt các mục tiêu đang bay ở độ cao từ 185-250km, thời gian phóng các tên lửa liên tiếp chỉ cách nhau từ 3 đến 4 giây. Điều này cho phép nó có thể ngăn chặn các loại máy bay chiến đấu, đồng thời phá hủy các loại vệ tinh tầm thấp và các loại vũ khí không gian khác.

Như hệ thống tên lửa phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, S-500 sử dụng các loại đạn tên lửa 776N-N và 776N-N1 với công nghệ đánh chặn kiểu va chạm trực tiếp chứ không phải nổ mảnh như các loại đạn cũ. Đạn 776N sẽ bay ở vận tốc từ 5 đến 7km/s nhằm cho phép nó hạ được cả tên lửa hành trình siêu thanh. Hệ thống ra-đa cảnh giới trên không của S-500 có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, tầm phát hiện mục tiêu của nó thậm chí đạt tới 800-1.000km, đủ khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.

Đối với S-500, Nga cũng sẽ trang bị hệ thống truyền thông ra-đi-ô tân tiến hơn mọi thiết bị cùng loại trên thế giới. Sự hiện đại và khác biệt của hệ thống thông tin liên lạc này sẽ ngăn chặn mọi cá nhân hoặc tổ chức không có thẩm quyền, thu nhận hoặc làm nhiễu sóng tín hiệu của S-500. Đây là sự cải tiến quan trọng trong thời đại mà sự bí mật và khả năng chống nhiễu chính là yếu tố quyết định đến sự hiệu quả của mọi tên lửa phòng không.

Trên Tạp chí National Interest của Mỹ, chuyên gia quân sự X.Rốp-blơ (Sebastien Roble) cho rằng, S-500 sẽ là một loại vũ khí lợi hại hơn hệ thống S-400 hiện đang được quân đội Nga sử dụng. “Có thể thấy rõ rằng, S-500 là một loại vũ khí phục vụ cho mục đích phòng không, đồng thời tầm bắn của nó cũng cho phép Nga thiết lập một khu vực chống xâm nhập. Ngoài ra, nó được thiết kế để có độ cơ động cao và chống chịu bị tấn công mạng tốt hơn”, ông Rốp-lin nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo National Interest, dù những thông số trên là vô cùng ấn tượng, thì việc giới chức Nga chưa hề tiết lộ bất kỳ thông tin nào về kết quả quá trình thử nghiệm của S-500 khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng thực sự của loại tên lửa phòng không này. Mỹ là quốc gia có sự tiến bộ nhất thế giới về công nghệ chế tạo tên lửa, nhưng cũng phải trải qua hàng trăm thất bại trong suốt một thập kỷ thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không giai đoạn cuối (THAAD). Do đó, có lý do để cho rằng, việc Nga phát triển ra một hệ thống phòng không với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên tới 250km như S-500 không phải là điều dễ dàng.

National Interest cũng chỉ ra rằng, có dấu hiệu chứng minh chương trình S-500 đang tiến chậm hơn kế hoạch và sẽ không thể biên chế trong tương lai gần. Bên cạnh đó, một vấn đề mà S-500 vẫn chưa thể giải quyết, đó là khả năng bắn hạ các chiến đấu cơ tàng hình như F-22 và F-35 của Mỹ. Hệ thống ra-đa cảnh giới của S-500 được đánh giá là có thể phát hiện những máy bay tàng hình trên nhưng việc điều khiển tên lửa nhằm tiêu diệt nó vẫn là điều nan giải.

Dù nghi ngờ là vậy nhưng được biết, không quân Mỹ đã chính thức phát đi đề nghị mời thầu tham gia phát triển dự án tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa mới (LRSO). Đây sẽ là một loại vũ khí được thiết kế nhằm đối phó các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga.

“Sự tiến bộ nhanh chóng của các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa sẽ khiến máy bay tàng hình ngày càng trở nên dễ dàng bị bắn hạ. Những tổ hợp phòng không như S-300 và S-400 có thể được điều khiển bởi các loại ra-đa tần số thấp nên sẽ phát hiện được những mục tiêu trên không ở khoảng cách hàng trăm ki-lô-mét. Đây chính là lý do Mỹ cần có một loại tên lửa với khả năng triển khai từ trên không ở khoảng cách siêu xa”, Trung tướng G.Uên-xtên (Jack Weinstein), Phó tham mưu Cục Răn đe hạt nhân chiến lược Mỹ, giải thích với trang Scout Warrior về sự cần thiết của LRSO.

Không quân Mỹ dự định ký hai hợp đồng nghiên cứu đầu tiên cho loại tên lửa này vào quý IV-2017 và bắt đầu đưa nó vào biên chế từ năm 2030. Trang Inside Defense cho biết, không quân Mỹ muốn mua 1.000 tên lửa LRSO và chi phí cho toàn dự án có thể lên tới 17 tỷ USD, tuy nhiên, theo ước lượng của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (UCS), tổng chi phí cho dự án này phải lên tới 25 tỷ USD hoặc thậm chí hơn.

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.