Sức khỏe 6 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ vẫn ổn định

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Các biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình, văn minh, phù hợp với xu hướng giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình hiện nay”. Ảnh: Anh Tuấn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Các biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình, văn minh, phù hợp với xu hướng giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình hiện nay”. Ảnh: Anh Tuấn
TP - Sức khỏe sáu ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ vẫn ổn định; các biện pháp bảo hộ công dân, xác minh vấn đề liên quan đã và đang được thực hiện, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 10/7 tại Hà Nội.

Lao Động: Xin ông cho biết ý kiến và bình luận về việc Trung Quốc bắt giữ các ngư dân Việt Nam. Đến nay, Bộ Ngoại giao đã có những biện pháp gì để bảo hộ công dân?


Ông Lê Hải Bình: Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, đồng thời xác minh các vấn đề liên quan đến vụ việc.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, vào lúc 9h sáng 10/7, đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã tiến hành thăm lãnh sự và có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với sáu ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS bị Trung Quốc bắt giữ. Sức khỏe các ngư dân hoàn toàn ổn định.

Hiện các ngư dân đang bị lưu giữ tại cảng Tam Á, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đang tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng tỉnh Hải Nam để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc.

Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết kết quả cuộc làm việc vừa qua giữa Cục Lãnh sự Việt Nam với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội về việc xác định tọa độ chính xác của tàu và lý do vụ bắt giữ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi?

Ông Lê Hải Bình: Điều quan trọng để giải quyết vấn đề là xác định rõ vị trí, tọa độ nơi diễn ra vụ việc. Hiện nay, các cơ quan hai bên vẫn đang làm việc tích cực với nhau để xác định vị trí này.

Hãng tin Đức: Hôm qua, một số nhà lập pháp Mỹ phê phán vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, so sánh với tình hình ở Trung Quốc, thậm chí Triều Tiên. Ông có bình luận gì về việc này?

Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi nhiều lần khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo các quyền cơ bản của công dân Việt Nam. Những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người cũng đã được cộng đồng quốc tế công nhận qua việc Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. 

Trong thời gian qua, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết và thu hẹp sự khác biệt trong lĩnh vực quyền con người. Các quan chức trong chính quyền và các nghị sĩ Hoa Kỳ đã nhiều lần đến thăm Việt Nam và chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của Việt Nam, trong đó có những thành tựu trong lĩnh vực quyền con người. 

Trong bối cảnh đó vẫn tồn tại một số ý kiến dựa trên các luồng thông tin sai lệch, không khách quan và không phản ánh đúng về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, những ý kiến này đi ngược lại nỗ lực song phương, không có lợi cho việc tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ vì lợi ích của hai nước.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.