Trung Quốc gia tăng đàn áp ngư dân

Tàu ĐNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm; Người thân ngóng chờ các ngư dân bị Trung Quốc bắt; Cabin trên tàu cá bị tàu Trung Quốc thiêu rụi đầu năm 2013. Ảnh: PV
Tàu ĐNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm; Người thân ngóng chờ các ngư dân bị Trung Quốc bắt; Cabin trên tàu cá bị tàu Trung Quốc thiêu rụi đầu năm 2013. Ảnh: PV
TP - Ngoài vụ việc tàu QNg 96185 bị tấn công bằng chĩa sắt, búa vào ngày 3/7 tại vùng biển Hoàng Sa, hàng chục tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng cho hay các lực lượng hải cảnh, hải giám và cả tàu cá vỏ thép Trung Quốc đã đẩy mạnh sự đàn áp ngư dân Việt lên mức cao hơn.

Trao đổi với Tiền Phong, hôm qua (6/7), ông Lê Khuân-Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết, mấy ngày nay, hệ thống Icom liên tục nhận được tin tức căng thẳng của ngư dân báo về từ vùng biển Hoàng Sa. “Họ đang gia tăng đàn áp ngư dân Việt, chưa bao giờ tôi thấy tình hình phức tạp như hiện nay” – ông Khuân nói.

Phóng chĩa sắt, dùng búa đập cabin

“Sự thô bạo, hung hăng và ngang ngược đối với ngư dân Việt đã được phía Trung Quốc đẩy lên một cấp độ mới” – anh Mai Văn Cường, thuyền trưởng tàu cá QNg 96185, (thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn), vừa bị tàu chiến Trung Quốc truy đuổi tấn công tại ngư trường Hoàng Sa, khẳng định.

Trở về sau khi bị tàu chiến Trung Quốc truy đuổi, tấn công bằng chĩa sắt, búa vào ngày 3/7 tại ngư trường Hoàng Sa, 13 thuyền viên Lý Sơn đi trên tàu cá QNg 96185 TS vẫn chưa hết bàng hoàng.

Trung Quốc gia tăng đàn áp ngư dân ảnh 1

Người thân những ngư dân bị Trung Quốc bắt đang rất lo lắng ngóng chờ tin tức. Ảnh: A.T

 Ngư dân Mai Văn Lê kể: Thời gian trước, khu vực vùng biển đảo Lincon là nơi kiếm sống của hàng chục tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn, tuy nhiên, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, tàu chiến, hải giám của họ liên tục tuần tra, truy quét, tấn công ngư dân Việt đang khai thác hải sản tại đây.

Chiều 3/7, khi anh em đang chuẩn bị thu lưới sau một ngày làm việc cật lực, tàu Trung Quốc mang số hiệu 1312, được trang bị đầy đủ súng, pháo bất ngờ lướt tới với tốc độ lớn, xả khói đen kịt khiến ngư dân không kịp thu lưới, đành bỏ lại những tay lưới kéo dở.

Thuyền trưởng Cường nổ máy cho tàu vòng tránh trước sự truy đuổi ráo riết của tàu Trung Quốc. Sau khoảng 30 phút, tàu Trung Quốc vượt lên chạy song song áp mạn tàu cá rồi sử dụng chĩa sắt, búa sắt, tay bám lan can nhằm vào cabin nơi thuyền trưởng Cường đang ngồi phóng tới. Không những thế, tàu Trung Quốc còn chồm qua nhằm thẳng cửa kính cabin và cửa sổ tàu cá đập phá tan hoang. Cũng may toàn bộ anh em đều chui xuống hầm máy nên không hề hấn gì.

“Chuyến biển này, tàu tôi thiệt hại nặng nề, ngoài tổn phí cả trăm triệu đồng, thì hư hại trên tàu do bị tấn công chưa thể tính nổi” - thuyền trưởng Cường cho biết.

Trung Quốc đã bắt người trái phép

Sáng ngày 5/7, sau hành trình dài từ ngư trường vịnh Bắc bộ chạy về, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 94913, do ngư dân Trần Xi, ở thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã cập cảng Sa Huỳnh (Đức Phổ) an toàn.

Trung Quốc gia tăng đàn áp ngư dân ảnh 2

Tàu QNg 94913 về Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

 Theo anh Trần Xi, khoảng 7h sáng ngày 3/7, tàu cá của anh và tàu QNg 94912 đang hoạt động trên vùng biển đánh bắt chung ở vịnh Bắc bộ thì bất ngờ tàu ngư chính số hiệu 3013 của Trung Quốc xuất hiện. Các ngư dân đi trên 2 tàu cá vội thu lưới nhưng tàu Trung Quốc đã thả ca nô tiếp cận áp sát mạn tàu cá QNg 94912.

   

Sau đó, ca nô và tàu lớn của Trung Quốc dắt tàu cá QNg 94912 cùng 6 ngư dân di chuyển về hướng đảo Hải Nam. Sau khi tàu QNg 94912 cùng 6 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép, dù trên tàu chỉ còn 2 lao động (thuyền trưởng và thuyền viên Nguyễn Ngọc Quý, 26 tuổi), anh Xi vẫn quyết định cho tàu chạy về đất liền để trình báo sự việc.

“Gần 2 ngày cầm lái liên tục cho tàu tăng tốc vượt chặng đường hàng trăm hải lý để trở về địa phương, dù đói khát nhưng tôi không thiết ăn uống, chỉ mong sao sớm được về nhà để gia đình, người thân yên tâm, không biết số phận của 6 thuyền viên bị Trung Quốc bắt giữ giờ ra sao, cầu mong anh em đừng bị họ đánh đập, đối xử thậm tệ, bởi còn người là còn của”, Thuyền trưởng Xi nói.

Ông Võ Đạt, chủ hai tàu cá QNg 94912 và QNg 94913, bức xúc cho biết: Ra khơi 2 tàu cùng 8 ngư dân, nay một chiếc trở về cùng 2 ngư dân, chiếc còn lại và 6 ngư dân giờ này vẫn không thể liên lạc được nên không biết sống chết ra sao. Người thân của các ngư dân hiện như đang ngồi trên đống lửa, tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ, có giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Đây là tài sản chắt chiu bao năm của cả gia đình tôi.

Trả lời về nơi bị Trung Quốc bắt giữ, thuyền trưởng Trần Xi cho biết, vị trí nơi tàu cá QNg 94912 và tàu của anh đang đánh bắt là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư trường này lâu nay các ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt bình thường. “Lúc Trung Quốc bắt tàu cá QNg 94912 và truy đuổi tàu tôi còn có hàng trăm tàu cá khác ở địa phương và các tỉnh lân cận cũng đang đánh bắt quanh đó” – anh Xi khẳng định.

Yêu cầu Trung Quốc giải thích vụ bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi

Ngày 6/7, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị phía Trung Quốc thông báo chính thức cho phía Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân ngày 3/7. Ông Lương Thanh Quảng, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua cho biết như vậy để trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong và ngoài nước về vụ việc tàu cá QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ.

Trước đó, ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với 6 ngư dân Việt Nam.

Bình Giang


MỚI - NÓNG