Sửa quy định để 'siết' việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nề nếp”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến Báo cáo Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thuý Chinh đánh giá, năm 2021, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp lách luật phát hành trái phiếu sai quy định”, bà Chinh cho hay.

Sửa quy định để 'siết' việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1

9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã bị hủy bỏ. Ảnh: Dân Trí

Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại thông tin báo chí phản ánh năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp lên đến hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

“Năm 2021, Chính phủ rà soát lại số đến hạn là 214.000 tỷ đồng. Số đến hạn đấy có trả được không? Trước đây đến hạn, dòng tiền có thì doanh nghiệp lấy ra trả hoặc người ta cũng buộc phải tính toán đi vay để đảo nợ, nhưng bây giờ cả vay để đảo nợ cũng bị siết. Tác động của dịch COVID-19 khó khăn như vậy, không có dòng tiền để trả, mà không trả được thì nguy cơ vỡ nợ. Đây có phải vấn đề lớn kiến nghị Chính phủ quan tâm giải quyết không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Việc sửa đổi nhằm siết chặt việc chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nề nếp”, ông Phớc khẳng định.

Thanh tra phát hiện vi phạm mua sắm test kit

Theo cơ quan thẩm tra, vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cty Việt Á và một số cơ quan, địa phương đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó có giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch. Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TPHCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

“Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, test kit, sinh phẩm phòng chống dịch COVID - 19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022”, ông Bảy cho hay.

Dự án quan trọng quốc gia chậm trễ gây lãng phí

Liên quan vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách chỉ ra hạn chế trong lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương. Tại một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong triển khai, hoạt động... gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM.

Ông Bảy đánh giá, đây là nội dung rất nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm và các bộ, ngành đang thực hiện thanh tra liên quan đến việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Chính phủ đã và đang tháo gỡ khó khăn việc xử lý sau thanh tra liên quan đến 12 dự án yếu kém hay quy hoạch trong quản lý, sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ lập 4 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thanh tra, có nhiều khó khăn liên quan tới cơ chế chính sách. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thanh tra Chính phủ đã kết luận theo quy định, việc trình, phê duyệt vốn đầu tư là không đúng nhưng để thực hiện và xử lý được vi phạm đó “là cả vấn đề”.

MỚI - NÓNG