Chuyện này không phải bí mật quốc gia, nên cần công khai kể cả với tổ dân phố, cán bộ, công chức. Là quan chức thì phải chấp nhận sự giám sát, nếu không thì đừng làm quan chức nữa…
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP), nói như trên khi trao đổi vơi báo chí xung quanh vấn đề kê khai tài sản, tại cuộc họp báo thường kỳ do TTCP chủ trì ngày 14/4.
Trả lương qua thẻ ATM… không kiểm soát được “phong bì”
Theo ông Đạt, việc kê khai tài sản là một nội dung, biện pháp để quản lý về tài sản của đối tượng thuộc nhóm nguy cơ tham nhũng, cụ thể là quan chức. Hiện nay, việc kê khai tài sản vẫn hình thức, kê nhưng không công khai được nhiều, được sâu, kê khai nhưng không trung thực, không quản lý được. Do đó, ông Đạt cho rằng, thời gian tới phải sửa quy định về kê khai tài sản, thu gọn đối tượng kê khai, đã kê khai là phải công khai, có kiểm tra xác minh đúng hay không đúng, còn kê khai chỉ để đó thì chẳng giải quyết vấn đề gì.
“Tôi cho rằng đây không phải bí mật quốc gia gì cả, công khai kể cả với tổ dân phố, kể cả với cán bộ công chức. Từ người cao nhất đến người thấp nhất, nếu trong diện kê khai là phải công khai và phải có một cơ quan chịu trách nhiệm về việc xác minh tính trung thực của những người kê khai, thế mới giải quyết được vấn đề quản lý tài sản và công tác phòng chống tham nhũng mới đạt yêu cầu. Nếu anh là quan chức thì anh phải chấp nhận sự giám sát, nếu không thì đừng làm quan chức nữa” - ông Đạt nhấn mạnh.
Vị Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cũng cho rằng, còn tiêu tiền mặt thì không thể phòng chống tham nhũng được và cần phải xử lý vấn đề quản lý chi tiêu tiền mặt. “Bởi việc trả lương qua thẻ AMT như hiện nay không quản lý được nguồn thu nhập từ ngoài vào, khi không quản lý được nguồn thu từ bên ngoài thì không thể xử lý được tội hối lộ, nhận phong bì, đấy là thực tế. Tới đây sửa luật phải khắc phục cái này” – ông Đạt nói. Ông Đạt cũng thông tin thêm, trong thời gian tới khi tổng kết 10 năm Luật phòng, chống tham nhũng, TTCP sẽ công bố 9 nguyên nhân dẫn tới công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.
TTCP chấn chỉnh công tác bổ nhiệm cán bộ
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về thông tin cho rằng trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ, ông Huỳnh Phong Tranh - nguyên Tổng TTCP đã bổ nhiệm hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp vụ, trong số đó có trường hợp bị khiếu nại về quy trình bổ nhiệm, ông Ngô Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - TTCP, xác nhận, trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã ký quyết định luân chuyển, bổ nhiệm 35 cán bộ, trong đó cấp vụ 11 trường hợp (3 trường hợp điều động luân chuyển, đang ở chức vụ này bố trí sang chức vụ khác tương đương); cấp phòng 24 trường hợp.
Ông Cường khẳng định, công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, chặt chẽ, các trường hợp đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm. Công tác bổ nhiệm luân chuyển cán bộ là bình thường theo chế độ tập thể và được ban cán sự thống nhất bỏ phiếu và Tổng Thanh tra quyết định, kiện toàn nhân sự kịp thời, đáp ứng nhân sự thiếu và nhiệm vụ cơ quan, nhiệm vụ được giao.
Về việc có thông tin phản ánh, khiếu nại về việc tiếp nhận ông Nguyễn Mạnh Hường, Phó tổng giám đốc tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC vào công chức và bổ nhiệm ông này làm Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng - TTCP, ông Cường cho biết, trước khi tiếp nhận, quyết định bổ nhiệm ông Hường, TTCP đã trao đổi và nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ và khẳng định TTCP tuân thủ đúng quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức nhà nước.
“Rất mừng vì nhà báo đề cập tới vấn đề nhạy cảm để chúng tôi có dịp chia sẻ và không dùng câu mà đại biểu quốc hội từng nói tại hội trường. Sau kiểm điểm Nghị quyết TW4, việc bổ nhiệm cán bộ tại TTCP đã được chấn chỉnh kỹ lưỡng ở tất cả các cấp độ, từ cấp phòng trở lên. Tại các cuộc họp gần đây, chúng tôi đều quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về bố trí cán bộ rất chặt chẽ. Trong cuộc họp gần đây, chúng tôi đưa ra quan điểm: cấp bách mới bổ nhiệm cán bộ. Có những việc chúng tôi cũng lùi lại, ví dụ như trong khối của tôi phụ trách, bình thường thì phải kiện toàn gần chục trường hợp, nhưng chúng tôi thống nhất chưa cấp bách, bình tĩnh, đợi Tổng Thanh tra mới về quyết định…”- ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng TTCP nói.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - TTCP cho biết, nhờ sự giúp đỡ từ phía Singapore, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã xử lý tốt vấn đề tài sản tham nhũng của đối tượng Giang Kim Đạt - bị can trong vụ án tại Vinashin. Tuy nhiên, theo ông Đạt, vụ án còn đang trong quá trình điều tra nên không thể thông tin chi tiết, nhưng mục tiêu là xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản.
Phát hiện sai phạm tại 3 dự án xăng sinh học
Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, đã kết thúc quá trình thanh tra 3 dự án xăng sinh học (Ethanol) tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Phú Yên. Sau quá trình thanh tra đã làm rõ được thực trạng đầu tư, khuyết điểm, vi phạm, TTCP đã gửi báo cáo dự thảo kết luận và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về kết quả thanh tra công tác quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Ngô Văn Khánh cho biết đã ban hành kết luận chính thức, tuy nhiên chưa thể công bố vì chứa đựng nội dung mang tính bảo mật.