Theo ông Nguyễn Công Hồng, tình hình tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách của nhà nước vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, nhưng giải pháp được đề cập trong các báo cáo của Chính phủ lại chỉ vẻn vẹn chưa đầy 9 dòng đánh máy.
Theo ông Hồng chống chống tham nhũng, chống lãng phí thì phải từ trên xuống và từ trong ra ngoài. Đặc biệt, không được sợ mất cán bộ, vì có làm gương thì mới tạo ra sức mạnh răn đe và phòng ngừa vi phạm.
“Tôi nghĩ mất một vài cán bộ có thể rất đau xót nhưng để làm gương cho nhiều người, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì giá đó tuy có đắt nhưng cắt ra miếng và rất đáng làm”, ông Hồng nói.
Từ đó, ông Hồng đề nghị phải đưa vào Nghị quyết của Quốc hội những giải pháp cụ thể, rõ ràng về phòng chống tham nhũng như, phải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng các dự án đầu tư lớn nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Thứ hai, chấm dứt tình trạng cán bộ sử dụng phương tiện công vào việc riêng, việc của cá nhân...
“Nếu chúng ta không làm như vậy thì cuối nhiệm kỳ chúng ta cũng chỉ đưa ra một nhận xét chung chung đó là phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đặt ra. Nhưng yêu cầu cụ thể là gì thì không rõ, khó tạo ra sự chuyển biến”, ông Hồng nói.