Sữa học đường giúp nâng cao thể trạng

Sữa học đường giúp nâng cao thể trạng
TP - Chương trình Sữa học đường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng, trình Thủ tướng nhằm bảo đảm dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Dự kiến tổng ngân sách cho chương trình lên tới 210.000 tỷ đồng với khoảng trên 2 triệu trẻ em được uống sữa.

> Bài 1: Khoảng trống dinh dưỡng học đường
> Sữa học đường: Lợi ích dành cho trẻ

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết:

Tại Việt Nam, Bà Rịa -Vũng Tàu là địa phương đầu tiên triển khai chương trình Sữa học đường từ năm 2007. Ở giai đoạn 1, qua 5 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai đại trà tại 82/82 xã/phường của tỉnh. Kết quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 19,1% xuống dưới 12%, lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ khá cao: 66,2 %; tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%. Đặc biệt, trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước.

 Ông Nguyễn Trọng An
Ông Nguyễn Trọng An.

Hiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

 “Chương trình sữa học đường góp phần giảm bớt sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển của trẻ tại các địa phương nghèo, mang đến cho trẻ em nghèo quyền được uống sữa hàng ngày, tăng cường thể trạng và giảm suy dinh dưỡng trẻ em, thu hút, vận động được nhiều trẻ đến trường mầm non và tiểu học”.  

TS Doãn Mậu Diệp,
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Việt Nam hiện nằm trong top các nước có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và thấp còi lớn nhất thế giới. Hiện nay có khoảng 28% là trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Như vậy cứ 3 trẻ là có 1 trẻ đang bị suy dinh dưỡng thấp còi. Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực, trẻ không học được vì thiếu máu, thiếu các chất dinh dưỡng. Chắc chắn những trẻ đó sẽ nhận thức chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa, dẫn đến một nguồn nhân lực yếu kém trong tương lai.

Đang có sự chênh lệch rất lớn giữa vùng nông thôn và thành thị, đặc biệt là các vùng núi cao. Hiện nay có 28/63 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi rất cao, như Kon Tum, Tây Nguyên, tỷ lệ này lên tới mức 45%. Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu từ 25-35%.

Việc cải thiện vấn đề này thông qua chương trình sữa học đường như thế nào, thưa ông?

Đây là đề án quốc gia do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì với sự tham gia của các Bộ Y tế, Giáo dục, Công thương và UBND các tỉnh. Trong đề án Sữa học đường mà Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ vào đầu năm 2014 chương trình sẽ triển khai trên toàn quốc, giai đoạn 1 từ 2014 - 2017 tại 62 huyện nghèo, với khoảng 450.000 trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học được uống sữa 2 lần mỗi ngày (khoảng 200-250ml sữa) tại lớp học, ngân sách do Nhà nước hỗ trợ.

Các tỉnh tùy theo khả năng cân đối tài chính có thể áp dụng cơ chế phối hợp các nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn vận động quốc tế để đảm bảo cho trẻ em của tỉnh mình được uống sữa. Tính tổng cộng ngân sách trên 210.000 tỷ đồng nếu thực hiện liên tục từ 2014 – 2020 và sẽ có khoảng trên 2 triệu trẻ em ở độ tuổi này được uống sữa.

Để chương trình này thành công cần phải có những điều kiện gì?

Trước mắt là vấn đề kinh phí. Kinh phí cho toàn bộ chương trình khoảng 210.000 tỷ, bao gồm tiền sữa, tiền tập huấn, tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ lợi ích của chương trình và có ý thức đúng về vấn đề này. Tiếp đó là nguyên liệu thực hiện. Hiện nay chúng ta nói đến sữa học đường là nói đến sữa nước, sữa tươi, trong khi đó, năng lực sản xuất của ngành sữa Việt Nam mới chỉ là 27%.

Thái Hà
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG