Theo quy chế, tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả hai đối tượng dự thi nêu trên. Phó cục trưởng Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa cho rằng, điều này tạo thuận lợi cho các địa phương tự linh hoạt tổ chức tùy tình hình thực tiễn. Ông Nghĩa ví dụ, như Hà Nội có địa bàn rộng lớn, khó có thể tổ chức một cụm thi vì những thí sinh ở giáp Hòa Bình nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp thì nên có cụm thi địa phương nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh đi lại. “Trong khi đó, có những địa phương có lượng thí sinh ít, địa bàn hẹp việc tổ chức một cụm thi thuận lợi hơn”, ông Nghĩa nói.
Thắt chặt an ninh
Năm nay, ngoài lực lượng phục vụ thi như trật tự viên, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, công an còn có thể có thêm một số kiểm soát viên quân sự giám sát. Cán bộ coi thi không được coi tại điểm thi có người thân dự thi. Thành viên của hội đồng coi thi không được mang các thiết bị thu phát thông tin trong khi làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, phúc khảo. Phòng và thiết bị chứa bài thi, tủ và thùng đựng bài thi phải được niêm phong và khóa; chìa khóa do Trưởng Ban Thư ký giữ; khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và ủy viên Ban Thư ký Hội đồng thi.
Trưởng môn chấm thi và cán bộ chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và cán bộ, giáo viên THPT. Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, Chủ tịch Hội đồng thi duyệt kết quả thi, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT để lưu giữ và đối chiếu. Dữ liệu kết quả thi phải lưu vào 2 đĩa CD giống nhau, được niêm phong và lập biên bản niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an.