Cạnh tranh khốc liệt
Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi dư luận có bổ sung quy định, các trường được sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10). Bên cạnh đó, Bộ GDĐT chỉ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường đại học xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường CĐ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là: Tốt nghiệp THPT.
Nắm bắt thời cơ, nhiều trường đại học công lập đã nhanh tay thông báo trong tuyển sinh 2016 sẽ dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ với một số ngành. Cụ thể, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết sẽ tuyển sinh bậc ĐH, CĐ tại hai cơ sở đào tạo với ba phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển các ngành học căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia; Xét tuyển học bạ vào một số ngành; Tổ chức thi, xét tuyển đối với môn năng khiếu thuộc khối V, H. Trường xét tuyển học bạ vào một số ngành không vượt quá 40% chỉ tiêu.
Năm 2016, Trường ĐH Hàng hải Việt tiếp tục thực hiện đồng thời hai phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 (tất cả các ngành/chuyên ngành) và xét tuyển theo kết quả học tập, rèn luyện 3 năm THPT (với 20% chỉ tiêu các chuyên ngành khối đi biển gồm: D101, D102, C101, C102, C103).
Trường ĐH Đồng Tháp thông báo tuyển sinh trong cả nước, mặc dù xét phần lớn chỉ tiêu các ngành dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016. Tuy nhiên, trường vẫn dành một số ngành xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
Năm 2016, ĐH Huế thông báo tuyển sinh theo 2 phương thức: dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 áp dụng cho tất cả các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu. Đồng thời xét tuyển theo học bạ THPT áp dụng cho thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa Giáo dục thể chất (GDTC), Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị và ngành kiến trúc của Trường ĐH Khoa học.
Chính vì các trường ĐH công lập thông báo xét tuyển như vậy nên nhiều trường ĐH ngoài công lập tiếp tục lo lắng về mùa tuyển sinh này.
GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho rằng, quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra có nhiều đổi mới nhưng không hứa hẹn được nguồn tuyển cho các trường ĐH ngoài công lập. Bởi lẽ, trong dự thảo bổ sung không có điều chỉnh tiêu chí về chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, nếu những trường ĐH công lập tuyển vượt 10% chỉ tiêu như quy định bộ cho phép thì các trường ngoài công lập không có nguồn tuyển. Bên cạnh đó, bộ cho phép các trường ĐH công lập xét tuyển bằng học bạ thì lại “chặn” tiếp nguồn tuyển của trường ngoài công lập. Do vậy, chúng tôi rất lo, năm tuyển sinh tới sẽ lại rơi vào tình trạng khó khăn thiếu sinh viên.
GS Vận cho hay, để “cứu” tình trạng này, ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, uy tín để cạnh tranh với các trường công lập, trường ĐH Hòa Bình đã mở thêm ngành học mới là ngành Tài chính - Ngân hàng. Trường trực tiếp liên kết với một ngân hàng lớn để sinh viên học 3 năm tại trường, 1 năm còn lại đến ngân hàng thực tập, làm việc để quen với môi trường, quen với công việc. Đồng thời, nhà trường ký kết với nhiều doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Có như vậy, chúng tôi mới hy vọng tuyển sinh được.
Nhận định về những sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016, PGS.TS Vũ Văn Hóa, phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung rất sát với thực tế như điểm ưu tiên, quy định xét tuyển, phương thức tuyển sinh được mở rộng, đa dạng hơn và cũng sát với nhu cầu xã hội, bắt các trường phải chứng minh được năng lực đào tạo.
Tuy nhiên, có điều ông Hóa băn khoăn cho rằng, quy chế cho phép các trường đại học công lập tuyển sinh theo hình thức học bạ như các trường đại học ngoài công lập sẽ tiếp tục đưa các trường ngoài công lập rơi vào tình trạng thiếu thí sinh. Đồng thời, tính cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường ngày càng khốc liệt.
Sòng phẳng trong cuộc cạnh tranh này, theo ông Hóa, các trường đại học công lập được đầu tư, có ưu thế tốt trong xã hội, nếu xét tuyển theo cách của trường đại học ngoài công lập thì các trường ngoài công lập cần xem xét lại sự tồn tại trong tương lai, bắt buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên…
Ông Hóa kiến nghị, đã là quy chế thì phải được sử dụng trong thời gian dài, nhiều năm chứ đừng để năm nào cũng sửa đổi, bổ sung làm cho các trường liên tục phải lên phương án đối phó mỗi năm.
Các trường tốp trên tuyển thẳng học sinh trường chuyên
Mùa tuyển sinh 2016 báo hiệu sự cạnh tranh lớn giữa các trường đại học, không chỉ những trường đại học tốp giữa, tốp dưới mà ngay cả những trường đại học tốp trên.
Trong phương án tuyển sinh 2016 của mình, nhiều trường đại học tốp trên đã đưa ra hình thức tuyển thẳng các học sinh ở trường THPT chuyên trên cả nước. Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh mở rộng đội tượng tuyển thẳng là học sinh xuất sắc của 82 trường THPT chuyên trên cả nước chứ không phải 5 trường như năm 2015. Học sinh của các trường này phải đạt điều kiện: là học sinh giỏi; có hạnh kiểm tốt; đỗ tốt nghiệp THPT năm 2016; học sinh phải có một bài viết súc tích lý giải việc chọn ngành kèm theo giới thiệu của giáo viên. Chỉ tiêu tuyển thẳng từ 10 – 15% mỗi ngành.
ĐH Quốc gia Hà Nội, ngoài đối tượng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD ĐT cũng dành chỉ tiêu tuyển thẳng cho những thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên, đã tốt nghiệp THPT và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT, tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên, có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.
Học viện Ngân hàng, năm 2016 trường sẽ dành 10% chỉ tiêu để tuyển thẳng đối tượng là học sinh chuyên các môn: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh từ các trường chuyên quốc gia như: THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội; THPT THPT chuyên Ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội; THPT chuyên Khoa học tự nhiên….Điều kiện là những học sinh này có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển trong 3 năm THPT đạt từ 7 điểm trở lên sẽ được tuyển vào các ngành học tương ứng.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dành 10% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng hai loại đối tượng là học sinh THPT như sau: Thí sinh học các lớp chuyên Toán, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh và sinh học của các trường chuyên quốc gia hoặc trường chuyên của các tỉnh thành phố. Cách xét theo học bạ, thí sinh chỉ cần có điểm trung bình chung từng môn theo tổ hợp xét tuyển từ 8.0 trở lên là có cơ hội trúng tuyển. Đối tượng thứ 2 là những thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2016 đạt loại giỏi trở lên (điểm 4 môn thi từ 32 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 7).