Sứ mệnh của Tổng thống Biden khi sang châu Âu giữa khủng hoảng Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Paris trong ngày 5/6, để tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Cuộc đổ bộ Normandy, và thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.
Sứ mệnh của Tổng thống Biden khi sang châu Âu giữa khủng hoảng Ukraine ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: CNN)

Nhiệm vụ cao cả hơn là ông sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh châu Âu đang rất lo lắng về Nga, Trung Quốc và nguy cơ cuộc bầu cử cuối năm nay có thể làm đảo lộn trật tự địa - chính trị hiện tại.

Ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia, cho biết Tổng thống Biden “thực sự tin rằng chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng của lịch sử. Nó gắn liền sự thay đổi của địa - chính trị, những thách thức mà chúng ta phải đương đầu trên khắp thế giới”, ông nói.

Tại Normandy, ông Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác sẽ nhìn lại một thách thức cụ thể mà phe đồng minh phải đối mặt vào ngày 6/6/1944 – cuộc tấn công quân sự bằng đường biển lớn nhất trong lịch sử, khiến hơn 10.000 người thương vong và trở thành sự kiện bản lề trong cuộc chiến chống lại Đức quốc xã. Lễ kỷ niệm năm nay có thể là lễ kỷ niệm lớn cuối cùng mà một số cựu chiến binh có thể tham gia, khi họ đã gần 100 tuổi.

Từ Pointe-du-Hoc, nơi ngăn cách các bãi biển Omaha và Utah mà quân đội Mỹ đổ bộ, Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu về sức mạnh của nền dân chủ trong ngày 7/6, nói về những người đã hy sinh mạng sống của mình để theo đuổi nền dân chủ.

Sau bài phát biểu ở Pointe-du-Hoc, ông Biden sẽ được chào đón bằng lễ đón cấp nhà nước do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, đáp lại sự đón tiếp nồng nhiệt mà nhà lãnh đạo Mỹ dành cho người đồng cấp Pháp năm 2022.

Ông Macron là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu quyết liệt nhất với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Pháp đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, tuyên bố sẽ vượt tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng 2% của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khởi động lại ngành sản xuất vũ khí trong nước.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, ông Biden dự kiến ​​sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky khi họ ở Normandy và một lần nữa bên lề thượng đỉnh G7 tại Ý vào tuần tới.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột, khi Ukraine đã bắt đầu sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Biden lặng lẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ theo cách đó, còn ông Macron công khai ủng hộ.

Nhà lãnh đạo Pháp là một trong những người ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất ở châu Âu. Nhưng cuối cùng Mỹ vẫn gánh phần lớn chi phí quốc phòng cho Ukraine.

Mỹ đã dành 175 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2/2022, vượt con số 171 tỷ USD tính theo tỷ giá ngày nay mà Mỹ gửi tới 16 nước châu Âu để tái thiết sau Thế chiến 2.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu gửi tổng số 53 tỷ USD hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Ukraine và 35 tỷ USD viện trợ quân sự.

Tháng trước, Tổng thống Macron hứa với ông Zelensky rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ, sẽ có thêm viện trợ quân sự “trong những ngày và tuần tới”.

Theo CNN
MỚI - NÓNG