Hai ông Biden và Macron khoác vai nhau sau thượng đỉnh G7 ở Đức tháng 6/2022. (Ảnh: AP) |
Chuyến thăm cho thấy thành quả từ những nỗ lực của ông Macron nhằm nâng cao vị thế của Pháp trên vũ đài thế giới. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, ông Macron triển khai hàng loạt sáng kiến để trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ động nhất.
Từ Beirut đến Bangkok, từ Điện Kremlin đến Nhà Trắng, ông Macron luôn tìm cách định vị mình ở trung tâm của mọi cuộc khủng hoảng, giới quan sát đánh giá.
Theo các chuyên gia, trong cuộc gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng ngày 1/12, ông Macron sẽ nêu quan ngại về chính sách hỗ trợ mới của Mỹ đang khiến châu Âu bận tâm. Hai nhà lãnh đạo có thể bất đồng về cách chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và chính sách với Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chức cả hai nước đều khẳng định rằng vai trò quan trọng của ông Macron đối với Washington là điều rõ ràng. Ông cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà cựu Tổng thống Donald Trump mời đến Nhà Trắng theo hình thức thăm cấp nhà nước.
Trước những bất định ở London, Berlin và Rome trong những năm gần đây, “tầm nhìn và chiến lược của Pháp không phải lúc nào cũng tương đồng với Mỹ, nhưng ít nhất cũng rõ ràng và nhất quán”, Mathieu Droin, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Pháp và hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, đánh giá.
Những người ủng hộ ông Macron nói rằng Tổng thống Pháp đã đưa vấn đề năng lượng và sáng tạo vào ngoại giao thế giới, với khẩu hiệu “Giúp hành tinh của chúng ta vĩ đại một lần nữa” (dựa trên khẩu hiệu Mỹ “Đưa Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump) hay tạo ra một diễn đàn mới của châu Âu để đoàn kết châu lục nhằm đối phó với Nga.
Phe chỉ trích cho rằng phong cách quyết liệt của ông Macron có thể gây phản ứng ngược và ông gây chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây khi phát biểu rằng NATO “đã chết não”, cùng với quan điểm của ông về Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, chính quyền Biden công nhận Tổng thống Pháp là người đóng vai trò lãnh đạo trong G7, NATO và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như thúc đẩy ủng hộ của EU đối với Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga.
Ông Macron đến Mỹ từ ngày 30/11 và sẽ thăm trụ sở NASA cùng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, nhằm nhấn mạnh hợp tác Mỹ - Pháp trong không gian vũ trụ. Sau đó, Tổng thống Pháp sẽ dùng bữa tối riêng tư với ông Biden và Phu nhân Jill, trước khi được đón tiếp bằng quốc yến ngày 1/12
“Chỉ cần nhìn vào năm ngoái, Pháp đã đứng ở vị trí trung tâm trong hầu hết mọi vấn đề an ninh quốc gia quan trọng đối với người Mỹ và các đồng minh của chúng ta”, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói.
Ông Macron dự kiến sẽ nêu quan ngại về Đạo luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, gói chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã ký. Đạo luật này cho phép giảm thuế có điều kiện đối với các sản phẩm sản xuất ở Mỹ mà châu Âu cho rằng sẽ khiến việc đầu tư vào châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Nhà Trắng khẳng định luật này sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện và các sáng kiến năng lượng sạch khác.
Lãnh đạo Mỹ và Pháp dự kiến sẽ trao đổi về cách hỗ trợ Ukraine đối phó với mùa Đông, trước khi ông Macron chủ trì một hội nghị quốc tế về vấn đề này vào ngày 13/12.
Hai bên cũng sẽ bàn về Trung Quốc, sau khi đều đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali cách đây 2 tuần và trước khi ông Macron thăm Trung Quốc vào đầu năm tới. Ông Macron sẽ thăm dò quan điểm của Mỹ về “cách thứ ba” với Trung Quốc, vừa không đối đầu vừa không ngây thơ, còn ông Biden sẽ thúc giục nhà lãnh đạo Pháp đứng lên chống lại Bắc Kinh.
“Quan điểm của chúng tôi về Trung Quốc không giống nhau, nhưng tôi nghĩ có một quan điểm mạnh mẽ rằng chúng tôi nên nói chung một tiếng nói khi ứng phó với Trung Quốc”, một quan chức Mỹ nói.