Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Bloomberg) |
“Các học thuyết của chúng tôi dựa trên lợi ích cơ bản của quốc gia. Các học thuyết được định nghĩa rõ ràng và không bị ảnh hưởng nếu xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân ở Ukraine, ở khu vực”, ông Macron nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp phát trên kênh France 2 ngày 12/10.
Đây là lần đầu tiên ông Macron nói cụ thể về học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp liên quan đến Ukraine. Ông nói rằng sẽ không tốt nếu nói về nó quá nhiều.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, lộ trình xung đột ở Ukraine sẽ thay đổi nếu Nga tấn công hạt nhân, và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến “phản ứng thực tế” từ các đồng minh của Ukraine, khả năng cả NATO.
Phát biểu trước cuộc họp kín của NATO, vị quan chức giấu tên nói rằng Nga sẽ phải chịu “những hậu quả chưa từng thấy” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vị quan chức cũng nói rằng Mátxcơva có vẻ đang đe dọa hạt nhân để ngăn NATO và các nước khác can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.
Khi thông báo việc sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ bảo vệ những vùng lãnh thổ này bằng vũ khí hạt nhân.
Tháng trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ đã nói rõ với Mátxcơva về “những hậu quả thảm khốc” mà Nga phải đối mặt nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông Sullivan không nói rõ Mỹ sẽ đáp trả bằng cách nào.
Phát biểu với báo chí tại trụ sở NATO ngày 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ đang theo dõi để phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thay đổi đáng ngại trong thế trận hạt nhân của Nga, gợi ý khả năng Tổng thống Putin sẽ tiến tới sử dụng loại vũ khí này.
“Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào đến thời điểm này để tin khả năng đó sẽ xảy ra”, ông Austin nói.