Sứ mệnh cao cả

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Đêm cấp cứu ngoại viện, nhìn những con đường vốn nhộn nhịp giờ chỉ còn những chiếc xe cứu thương mà rớt nước mắt. Tại các bệnh viện, nhìn đồng nghiệp kiệt sức, mệt lả, vật vã nhưng vẫn phải gắng gượng vì người bệnh mà lòng quặn thắt. Cuộc chiến này, với tôi chắc chắn không thể nào quên…”.

Từng trải trận mạc chống dịch ở nhiều nơi, song bác sĩ Trần Thanh Linh-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn không khỏi rưng rưng xúc động khi hồi tưởng về những tháng ngày TPHCM chìm trong đau thương bởi đại dịch COVID-19. Chia sẻ của bác sĩ Linh tại một cuộc giao lưu diễn ra cách đây ít hôm, nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, đã gây xúc động mạnh cho người nghe, bởi tất cả đều là nhân chứng của thời cuộc và thấy mình trong nỗi ám ảnh đó.

Sứ mệnh cao cả ảnh 1

Tác giả: Đại Dương

Trong những ngày u ám và đau thương nhất, bác sĩ Linh cùng hàng vạn đồng nghiệp vẫn kiên tâm, bền bỉ nơi tuyến đầu chống dịch. Họ thầm lặng đi vào cuộc chiến khốc liệt. Vì sinh mệnh của nhân dân, họ sẵn sàng đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Để thực hiện sứ mệnh cao cả mà xã hội giao phó, họ đã tận hiến, quên cả bản thân mình. Nhiều chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu đã ngã xuống ngay trong khi đang làm nhiệm vụ.

Cho đến lúc này, nhiều người vẫn không khỏi xúc động, cảm phục chen lẫn ám ảnh với hình ảnh những nhân viên y tế ngất xỉu, nằm la liệt trên sàn nhà vì kiệt sức; những đôi mắt thâm quầng và gương mặt đờ đẫn vì thiếu ngủ; những vết hằn của khẩu trang hai bên má, trong khi toàn thân ướt sũng mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ; cả những giọt nước mắt của các y bác sĩ lăn dài khi những nỗ lực cứu người bệnh không thành công. Đó là những minh chứng về sự khốc liệt của cuộc chiến chống dịch mà những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu trải qua trong suốt thời gian dài.

Sự hy sinh, tận hiến của họ đã giúp ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, đưa bao nạn nhân từ cõi chết trở về, đem lại sự bình yên cho mọi người. Nhưng khi cuộc sống bắt đầu hồi sinh thì cũng là lúc nhiều người trong số họ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý nặng nề - hậu quả của những tháng ngày gồng mình trong cuộc chiến chống dịch. Không ít người đã phải rời bỏ trận địa tạm thời, thậm chí vĩnh viễn. Đó là cuộc chiến mới không kém phần khốc liệt mà họ phải đối mặt và sự hy sinh cũng không hề nhỏ.

Tuy nhiên, nói như PGS-TS. BS Lê Minh Khôi (Trung tâm Điều trị Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM): “Đi qua nhiều khổ đau, mất mát, tang thương để cuối cùng ngày hôm nay chúng ta ở đây may mắn cùng lành lặn và trở lại cuộc sống bình thường”.

Một cách rất tự nhiên, khi Tổ quốc và nhân dân cần, những chiến binh áo trắng đã cùng gắn kết, chung sức, chung lòng tạo thành sức mạnh và làm nên những kỳ tích mang tên “Blouse trắng”. Kỳ tích ấy đã bồi đắp niềm tin chiến thắng, tiếp thêm nguồn sinh lực cho cộng đồng vượt qua mọi gian khó.

Khi đi xuyên qua cuộc chiến sinh tử, với bác sĩ Linh cũng như nhiều đồng nghiệp-đồng đội, điều đọng lại là sự đoàn kết, gắn bó. “Tình người giúp chúng ta vượt qua đại dịch này”, ông nói. Đó cũng là bài học lớn, sâu sắc nhất mỗi chúng ta nhận được sau những đau thương mất mát.

MỚI - NÓNG