Từ chuyển động Brown
Xe cứu thương tiến vào cổng, không còi hụ, không ồn ào, thoắt cái, bóng nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ bước khỏi xe, trao đổi ngắn gọn với bác sĩ đã đứng đợi. Cụ bà hơn 80 tuổi, mắc COVID-19 kèm bệnh lí nền đái tháo đường, thở mặt nạ ô xy nhanh chóng được vào khu vực hồi sức tích cực (ICU).
Âm thanh dễ nhận ra nhất phát ra từ hệ thống máy móc hỗ trợ sự sống. 20 bệnh nhân nặng, người thở máy người thở HFNC, người thở ô xy mask. Những bóng áo bảo hộ trắng di chuyển liên tục giữa các giường bệnh. Tôi nhận thấy một người đàn ông đứng lặng lẽ bên ngoài cửa kính, quan sát chăm chú nhất cử nhất động của những người trong phòng bệnh. Hiểu thắc mắc của tôi, một bác sĩ bảo: “Đó là nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, anh ấy sẽ theo dõi mọi thao tác của các nhân viên y tế. Một số trường hợp không tuân thủ quy trình có thể bị nhắc nhở ngay, thậm chí thay ra như cầu thủ bóng đá nếu không tuân thủ chiến thuật của huấn luyện viên”.
Bác sĩ, điều dưỡng BV Điều trị người bệnh COVID-19 hồi sức cho bệnh nhân nặng Ảnh: Thái Hà |
Bước vào phòng điều trị bệnh nhân nặng, không bị cảm giác ngột ngạt như thường thấy ở những khoa hồi sức tích cực. Giữa các giường bệnh được bố trí vách ngăn để tạo không gian riêng tư cho bệnh nhân. Nhưng lớp ngăn đó được lắp một khoảng kính ở phần trên giúp nhân viên y tế có thể quan sát được nhiều bệnh nhân cùng lúc. Không khí khá thoáng, ánh nắng chiếu qua cửa sổ rộng làm không gian phòng bệnh trở nên bớt lạnh lẽo. Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Nguyễn Thị Thu Phương nói: “Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ nhưng không bị nóng vì ở các phòng bệnh được bố trí điều hòa, có hệ thống tia cực tím giúp khử khuẩn, tránh virus lây lan, nhờ đó công suất làm việc cũng tăng theo”.
Bốn bác sĩ và điều dưỡng ở trong phòng trực tiếp theo dõi người bệnh. Nhìn họ đi lại như con thoi giữa các giường khiến người ngoại đạo như tôi chóng mặt. Phương cười bảo “mỗi ngày đi lại trong buồng bệnh không khác thể dục, ở đây không ai béo được vì đi như chạy”. Vừa nói cô vừa kiểm tra lại chỉ số sinh tồn của cụ ông đang thở máy. Khác với nhiều bệnh viện tôi đã từng đến tác nghiệp, ở đây trong phòng bệnh bố trí nhiều máy bộ đàm. Cần trao đổi gì những bác sĩ, điều dưỡng trong phòng bệnh nhân nặng sẽ gọi ra phòng trực cách một lớp cửa kính. Khi có tình huống khẩn cấp họ sẽ nhanh như chớp vào buồng hỗ trợ đồng nghiệp. Nhìn họ, có cảm giác như mình đang được tận mắt thấy chuyển động Brown trong phòng thí nghiệm vật lí. Ở đó, những dòng, những hạt phân tử không ngừng lao về các phía. Họ, những y bác sĩ không ngừng nghỉ, tất cả theo thao tác chính xác, nhanh chóng, không được phép lơ là, chậm trễ, bởi mỗi hơi thở mệt mỏi trì kéo họ thì cũng có nghĩa nhịp sống nơi bệnh nhân đang cần họ tiếp sức, sẽ tụt xuống…
Đến hiệu ứng đi ngược số đông
Số ca nặng nhập viện tăng, vất vả đang đè dần thêm lên những người khoác áo blouse nơi đây. Đã gần 4 tháng nay, bệnh viện này là nơi tiếp nhận F0 trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Nằm riêng biệt giữa vùng đất khá rộng, khuôn viên thoáng đãng, những khu nhà đều tăm tắp, màu sắc hài hòa, thiết kế thanh thoát. Nếu không có tấm bảng ghi tên bệnh viện thì ít ai nghĩ nơi đây đang điều trị cho hàng trăm bệnh nhân COVID-19. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) dẫn tôi đi tham quan từng khu vực. Mọi thứ được bài trí khoa học. Mọi dịch chuyển đều theo hướng một chiều để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Trong cơn đau, có gì quý hơn liệu pháp tinh thần khi có người thân yêu bên cạnh, bởi sợi dây đó chính là niềm vui giúp người bệnh an yên và vượt lên đau đớn. Bệnh viện là nhà, đúng nghĩa ở đây. Muốn thốt lên, nếu được, lời tạ ơn, từ mình gửi đến họ, những y bác sĩ đang “con thoi” bên buồng bệnh nặng…
Ban đầu khi thiết kế bệnh viện này Ban Giám đốc hướng đến điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch với 500 giường bệnh, cao điểm có thể tiếp nhận 700 ca. Những ngày gần đây số ca mắc mới tại Hà Nội tăng liên tục. Để giảm áp lực cho các cơ sở y tế thủ đô, lãnh đạo Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 tiếp nhận cả bệnh nhân nhẹ. “Mặc dù chuyển đổi mô hình, nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên điều trị bệnh nhân nặng", PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói. Bệnh viện được chia thành nhiều khu, đang chăm sóc cho hơn 200 F0. Trong đó khoảng 20% là bệnh nhân nặng. Số còn lại là những trường hợp nhẹ và không triệu chứng.
Điểm đặc biệt ấn tượng là những nhân viên y tế ở đây sau khi hết ca chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch vẫn được trở về nhà trong ngày mà không cần cách li như nhiều bệnh viện khác. Có được điều này cũng là quyết định cân não của lãnh đạo bệnh viện. Đi ngược với số đông thì phải có minh chứng chắc chắn mới thuyết phục được mọi người. Để làm được điều đó, bệnh viện đề ra quy trình kiểm soát chặt chẽ, tôn trọng kỉ luật lao động, thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguy cơ để phân loại. “Mỗi tuần nhân viên y tế được test COVID-19 hai lần. Hằng ngày, sau giờ làm việc, các nhân viên tự đánh giá mức độ an toàn của mình cũng như có đội ngũ kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát”, điều dưỡng trưởng khu vực ICU Trần Xuân Ngọc, người vừa thực hiện xét nghiệm nhanh sau ca trực chia sẻ. “Cho đến bây giờ chúng tôi hiểu những biện pháp đang áp dụng phát huy hiệu quả rất tốt. Đặc biệt, chúng tôi đầu tư kĩ lưỡng cho kiểm soát nhiễm khuẩn”, TS Hải bộc bạch. Đến nay sau gần 4 tháng hoạt động chưa có một nhân viên nào nhiễm hay nghi ngờ nhiễm COVID-19. Điều đó giúp cho tinh thần mọi người được an tâm để hết lòng phục vụ người bệnh.
Vài ba trẻ khoảng 4-5 tuổi đang chơi đùa ở khu vực sảnh khá rộng, bao quanh là những căn hộ cửa đóng kín. Ngó chừng thấy tôi ngạc nhiên, TS. Hải cười đầy bí ẩn: “Bạn sẽ thấy ở đây những điều đặc biệt”. Bản tính tò mò nổi lên, tôi với tay nắm cửa, định mở ra để bước vào chỗ lũ trẻ. “Đừng!”. Khựng lại giây lát khi hiệu lệnh phát ra từ bác sĩ Hải, tôi dừng lại. “Phòng gia đình F0 đấy”, TS Hải cười nhẹ. Quả là bất ngờ. Vốn đi nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở cách li F0, nhưng chưa ở đâu tôi thấy những căn phòng nhỏ xinh dành cho cả gia đình người mắc COVID-19 như ở đây. Người Việt Nam vốn mang nét văn hóa gia đình, văn hóa quần tụ. Trong đại dịch dữ dội này, mỗi giây phút người bệnh được ở bên gia đình trở thành liều thuốc tinh thần quan trọng.
Lòng tôi chợt rộn lên. Những bất ngờ từ đây, không đơn thuần là thuốc men, sự nhiệt tình và trí tuệ của y bác sĩ, mà cách họ linh hoạt trong khám chữa bệnh đã khiến kẻ ngoài cuộc như mình thấy ấm áp, tự tin.(Còn nữa)