Trước đây, trong sách giáo khoa cũ, có trích đoạn “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” của Lê Anh Xuân, trong đó có những câu thơ mà đứa trẻ nào thời ấy cũng thuộc lòng: “Việt Nam đẹp khắp trăm miền/Bốn mùa một sắc trời riêng đất này/Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây/Non cao gió dựng, sông đầy nắng chang”… Không chỉ có Lê Anh Xuân ca ngợi non sông gấm vóc. Người ta có thể thấy vẻ đẹp của mùa thu đất Việt trong thơ Xuân Diệu, cái chớm lạnh rất Hà Nội trong thơ Nguyễn Đình Thi, vẻ đẹp đèo Ngang buổi xế tà trong thơ Bà huyện Thanh Quan… Cũng không chỉ dừng ở thi ca, hội họa rồi âm nhạc… đều góp phần “quảng bá du lịch Việt”: “Bạn ơi, hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời” (Việt Nam quê hương tôi - Đỗ Nhuận).
Nhưng chưa bao giờ vẻ đẹp của đất nước lại gây sốt cao như khi “Kông” đặt chân đến Việt Nam. Rất nhiều người Việt tỏ ra phấn khích, tự hào. Lúc này họ mới thật sự công nhận: “Việt Nam đẹp khắp trăm miền”. Một độc giả thốt lên: “Quả thực Việt Nam ta quá nhiều cảnh đẹp. Tôi yêu Việt Nam”. Những độc giả khác không kém cạnh: “Việt Nam đẹp hơn tất cả những gì bạn nghĩ”; “Non sông gấm vóc Việt Nam đẹp lắm. Nào là rừng hoa tam giác mạch, hoa ban Tây Bắc, rừng trúc Yên Tử…”. Những thi sĩ, những họa sỹ, những nhạc sỹ người Việt trải qua bao thế hệ đã góp phần tạo dựng một bức tranh đất nước diệu kỳ, trước làn sóng cuồng vẻ đẹp Việt sau phim “Kông”, có khi cũng đắng lòng chào thua trước sức công phá dữ dội của phim “bom tấn” Mỹ.
Người ta ví vẻ đẹp Việt như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Nhưng kiểu đánh thức gây kinh động thế này, có khiến nàng giật mình… lại ngủ tiếp không? Liệu cơn ái mộ vẻ đẹp nước non có giúp người ta biết gìn giữ, biết nâng niu những gì tạo hóa ban cho hay không? Đáp án đầy hồ nghi. Chẳng đâu xa, ngay Vịnh Hạ Long vẫn đang kêu cứu khi oằn mình mỗi ngày gánh hàng tấn rác, hàng vạn khối nước thải… Chứng kiến Vịnh Hạ Long bị “hành” có ai nhớ tới những ngày vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long sôi nổi và mãnh liệt?
Ở Việt Nam những năm gần đây người ta cũng nhắc nhiều, hy vọng nhiều ở những bộ phim “bom tấn” nội. Nhưng rõ ràng, chưa bộ phim “bom tấn” thương hiệu Việt nào khiến cho khán giả Việt lên cơn sốt với vẻ đẹp đất nước như “Kông”. Một độc giả trăn trở: “Thực tế cho thấy, chỉ sau khi King Kong xuất hiện ở Việt Nam thì mọi người mới hùa nhau ca ngợi Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, đẹp “như người con gái đẹp chưa ai đánh thức”. Nhưng đáng tiếc người đánh thức lại là người nước ngoài cùng với đoàn làm phim của anh ta. Còn người Việt Nam mình, những đoàn làm phim của Việt Nam mình đang ở đâu? Sao không đánh thức “người con gái đẹp” ấy trước đi? Đất nước mình, con người mình mà sao cứ để người ngoài vào “đánh thức” hoài vậy?”. Các nhà làm phim sẽ lại đổ “tội” sang kinh phí. Nhưng được “rót” kinh phí, liệu có chắc “nên cơm nên cháo” không?