SOS - Bạo hành không đánh đập

Ảnh: Internet.
Ảnh: Internet.
TP - Trong số báo TPCN tuần trước ra ngày 15/4, chúng tôi đã có bài phản ánh tình trạng bắt nạt, bạo hành, “tra tấn” bằng cách im lặng - vấn đề nhức nhối không chỉ trong môi trường giáo dục. Đây là loại hành vi chưa được xã hội quan tâm đúng mức, mặc dù theo các chuyên gia sức khỏe, bạo hành không đánh đập để lại những tổn thương tinh thần dai dẳng có khi cả cuộc đời.

Nhân danh tình yêu

Đàn ông bắt vợ hàng đêm làm nô lệ tình dục, không cho vợ/ người yêu giao lưu với người khác giới... Cha mẹ bắt con học ngày học đêm để có công danh vẻ vang. Kẻ cầm trịch thường nhân danh tình yêu, tình ruột thịt, cho phép bản thân quá nhiều quyền chi phối, bạo hành tinh thần nạn nhân.

Theo tài liệu của Dịch vụ y tế tâm thần - Beautiful Mind Việt Nam (BMVN), có tám mẫu hành vi thường thấy của kẻ bạo hành trong quá trình chi phối nạn nhân của mình. Mỗi người bình thường trong chúng ta sẽ không khỏi giật mình khi biết “hăm dọa sẽ bỏ rơi nạn nhân; sỉ vả khiến nạn nhân cảm thấy có lỗi chán ghét bản thân; ép quan hệ tình dục, không cho nạn nhân đi làm (buộc phải mang ơn người kiếm tiền nuôi mình); giấu thông tin về thu nhập gia đình; dọa tước quyền nuôi con của nạn nhân, dùng con trẻ làm điều kiện thỏa thuận..., mọi hành vi trên nếu kéo dài hay lặp đi lặp lại được tính là bạo hành. Đó là chuyện ở tây, còn ở ta  mọi hành vi bạo hành nhân danh tình yêu vẫn ngoạn mục thoát hiểm.

SOS - Bạo hành không đánh đập ảnh 1 Nhân danh tình yêu, kẻ bạo hành vẫn “thoát hiểm”. Ảnh: Internet.

Lạm quyền thân thương

Một thanh niên đang chở người yêu trên đường bỗng dừng xe, quay lại bóp cổ cô gái và quát “Nếu thằng ấy mà khen thêm mày câu nữa chắc mày vào nhà nghỉ với nó rồi” . Sau nhiều lần hứng chịu cơn ghen thô bạo cô gái vẫn biện hộ “chỉ vì anh ấy quá yêu và sợ mất mình”.

Một phụ nữ trung niên từng ngạc nhiên khi biết mình chính là nạn nhân của bạo hành tình dục sau khi tiếp xúc với dự án “Phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em” (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên – CSAGA). Nhìn bề ngoài, gia đình khá giả, vợ chồng chị đẹp đôi, con cái thành đạt. Chồng chị là trí thức nhưng ghen tuông bệnh hoạn. Sau cuồng ghen anh ta ép vợ quan hệ tình dục kiểu thú tính bất chấp chị ốm đau hoặc không đồng thuận. Chị bị chồng ép nghỉ việc cơ quan nhà nước vì “đi làm chỉ tổ đong trai”. Trả lời câu hỏi: “có lúc nào chị nảy ý định ly dị không?”, nạn nhân nói: “Anh ấy ngưỡng mộ tôi quá mà thành ra mất kiểm soát. Tôi không thể bỏ chồng khi đã lên chức bà nội. Mà làm gì có ai ly hôn vì “chuyện ấy”, xấu hổ lắm”.

Sau một tuần kết hôn, một phụ nữ tuổi 30 đã hoảng hốt ra phường trình báo “đêm nào người chồng cũng bắt chị làm nô lệ tình dục”. Tại phường, cán bộ công an tỏ ra không hiểu “vừa cưới đã từ chối quan hệ vợ chồng thì đến anh, anh cũng chả chịu”.

“Lạm quyền thân thương” đến bao nhiêu thì thành “bạo hành”? Câu hỏi này đến nay người của cơ quan chức năng còn mơ hồ huống chị những người trong cuộc.

Nhiều người còn nhầm lẫn cho rằng sự ngăn cấm, kiểm soát là một  phần trong tình yêu mà không biết rằng đó cũng là một dạng bạo hành. Theo thống kê mới đây trong nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ, 35% phụ nữ tại Việt Nam từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục trong đời, trong đó tỷ lệ bạo lực do bạn tình gây ra cao gấp ba lần so với bạo lực do các đối tượng khác không phải bạn tình gây ra.

Theo nhà xã hội học Nguyễn Thị Minh Tuyết, giảng viên Học viện Báo chí truyền thông, không phải chỉ phụ nữ mà nam giới cũng là nạn nhân của khuôn mẫu xã hội. Bản thân mỗi người đôi khi không nhận diện được mình đang là thủ phạm hay nạn nhân của bạo hành khi yêu. Khi sự quan tâm khiến người kia cảm thấy khó chịu, còn người quan tâm thể hiện quá mức quyền lực của mình, đó chính là bạo hành.

SOS - Bạo hành không đánh đập ảnh 2 Nhiều học sinh trầm cảm, tự sát vì bị ép học, ép thi vào ngành mình không mong muốn. Ảnh: Internet.

Phụ huynh cũng kỳ thị con học dốt

Dư luận mới đây xôn xao trước vụ việc một nam sinh THPT tại trường “có tỉ lệ 97% đỗ đại học” tự tử vì áp lực học tập theo nguyện vọng của cha mẹ. Trong buổi họp với báo chí, vị hiệu trưởng của trường đã nhận lỗi “Đánh đồng các ước mơ, chỉ chú trọng thi cử mà không để ý đến năng lực tâm tư của học sinh”.

Cha mẹ của nam sinh xấu số chia sẻ rằng “chỉ mong con học tốt, có tương lai thành đạt”, “chúng tôi làm việc cật lực để lo cho cháu học, không ngờ kết cục đau lòng thế”.

Chuyên gia tâm lý, quản lý trang “Dạy con lối nào” Lê Nguyên Phương (Stanton, Mỹ) bày tỏ trên trang cá nhân sau vụ việc: “Các bậc phụ huynh không nói bằng lời mà bằng hành vi của mình. Trầm trồ thèm khát vinh quang của trẻ học giỏi chiếm nhiều học bổng, lộ vẻ thất vọng khinh thường khi con đem phiếu điểm thấp về nhà. Họ luôn tranh thắng trong họ hàng và chòm xóm, đặt mọi giá trị vào cái đích cuối cùng mà quên khuyến khích con tận hưởng những ngày tháng tuổi thơ”.

Nhà tâm lý học nhân bản Carl Rogers (1902-1987) cho rằng để một cá nhân có thể phát triển toàn diện, họ cần một môi trường chân thật, chấp nhận, và đồng cảm. Ngay từ lúc nhỏ, chúng không phải nghe những câu như, “Con ăn giỏi/học giỏi thì mẹ mới thương” hay “Đừng làm cha mẹ nhục nhã vì học hành dốt nát.” Nghiên cứu cho thấy việc thay đổi hành vi, nhất là thu hoạch kiến thức và kỹ năng, xảy ra rất giới hạn khi một cá thể hổ thẹn và căng thẳng.

TS. Nguyễn Bá Đạt, Giảng viên Bộ môn Tham vấn tâm lý, khoa Tâm lý học, trường Đại Học Quốc gia HN đưa ý kiến: Việc cha mẹ, thầy cô giáo bắt học sinh học ngày học đêm, chạy theo điểm số cần được nhìn nhận theo các cách khác nhau. Ở văn hóa phương Đông,  sự thành công trong học tập (điểm số) có thể dự báo được sự thành công của một cá nhân trong tương lai. Do vậy, bắt con học là do cha mẹ lo cho con, muốn con thành công trong tương lai. Trong trường hợp sắp thi cuối cấp cha mẹ có yêu cầu con học nhiều hơn một chút cũng là một sự hợp lý nhất định để con có thể đỗ được vào trường có uy tín. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải hiểu là khi con học nhiều bị mệt, chán học hoặc sợ học thì nhất thiết phải để con nghỉ, và lắng nghe con chia sẻ suy nghĩ, giúp con xây dựng kế hoạch học tập hợp lý. Không nên dọa nạt, mắng chửi hoặc cắt phần thưởng hoặc dỗi con. Nếu như vậy là bạo lực tinh thần rồi.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.