Sống ở Việt Nam, mua nhà ở Mỹ: Lắm khi ngậm bồ hòn…

Một căn nhà tại Montana chỉ có giá 1USD vì không còn ở được.
Một căn nhà tại Montana chỉ có giá 1USD vì không còn ở được.
Qua tìm hiểu thì những năm gần đây, khá nhiều "đại gia" người Việt sống ở Việt Nam, mua nhà bên Mỹ, không chỉ 1 căn mà thậm chí có người có tới 2, 3 căn - nhất là những "đại gia" có con, cháu học ở Mỹ.

Tại thành phố Westminster, nhiều ngôi nhà trị giá 600 - 700.000 USD mà chủ nhân của nó ở đâu mãi tận Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau… Quan niệm của họ khi mua nhà là vừa có chỗ ở cho con, đỡ tốn tiền thuê mướn phòng trọ rồi sau này khi con ra trường, nếu xin được việc làm ở Mỹ thì nhà cửa đã có sẵn.

1. Sáng nay, tôi nhận được email của một người quen ở Việt Nam, trong thư anh cho biết một công ty có trụ sở đặt ở Mỹ, văn phòng đại diện tại TP HCM gửi tờ rơi chào mời anh một suất đầu tư trị giá 500.000 USD mà cụ thể là mua một căn nhà ở phía nam bang Florida. Đổi lại, anh cùng toàn bộ gia đình sẽ được cấp "thẻ xanh" - là thẻ chứng nhận thường trú nhân tại Mỹ. Cuối thư, anh hỏi tôi chuyện này có thật không?

Thật thì có thật, nhưng cái "không thật" cũng có! Số là mấy năm nay tình hình kinh tế nước Mỹ ảm đạm, giá nhà đất xuống dốc, thị trường địa ốc đóng băng nên hai thượng nghị sĩ Mỹ là ông Charles Schumer, đảng Dân chủ và ông Mike Lee, đảng Cộng hòa đã nghĩ ra một biện pháp "kích cầu" rất độc đáo.

Cả hai ông cùng đứng tên trình Quốc hội Mỹ một dự luật về các biện pháp liên quan đến dân nhập cư, trong đó có điều khoản: Nếu một người nước ngoài nào đó bỏ ra ít nhất 500.000 USD mua nhà ở Mỹ, hoặc cũng có thể bỏ 250.000USD mua nhà, 250.000USD còn lại đầu tư vào lĩnh vực khác nhưng cũng liên quan đến địa ốc thì sẽ được cấp visa thường trú. Sau khi hoàn tất việc mua bán và được chứng nhận thường trú, người mua phải ở Mỹ mỗi năm ít nhất là 6 tháng! Họ được mang theo vợ - hoặc chồng cùng con cái miễn là chúng dưới 18 tuổi.

Còn cái "không thật" là: Loại visa được cấp nhờ vào việc mua nhà hoàn toàn không có giá trị như "thẻ xanh". Cũng cần nói thêm rằng ở Mỹ có 3 dạng thường trú: Một là có quốc tịch (citizenship), hai là thường trú vĩnh viễn (permanent resident) và ba là không thường trú (none resident). Người bỏ tiền mua nhà nằm lơ lửng ở dạng thứ hai và thứ ba vì mặc dù được quyền sống ở Mỹ nhưng lại không được phép làm những việc kiếm ra tiền - trừ khi họ có giấy phép lao động - nhưng xin được cái giấy này rất "trần ai khoai củ".

Nếu vì một lý do nào đó mà họ bán nhà và không chứng minh được rằng mình đang - hoặc sẽ mua nhà mới thì a lê hấp, họ phải quay về cố quốc ngay! Chưa kể khi tiến hành mua bán, do ngăn chặn nguồn tài chính cung cấp cho các tổ chức khủng bố, hoặc hoạt động rửa tiền của các băng nhóm tội phạm và những nguồn tiền không hợp pháp khác, Sở Thuế và Chính phủ Mỹ rất kỹ lưỡng trong việc xác minh nguồn gốc tiền mua nhà.

Qua tìm hiểu thì những năm gần đây, khá nhiều "đại gia" người Việt sống ở Việt Nam, mua nhà bên Mỹ, không chỉ 1 căn mà thậm chí có người có tới 2, 3 căn - nhất là những "đại gia" có con, cháu học ở Mỹ. Tại thành phố Westminster, nhiều ngôi nhà trị giá 600 -  700.000 USD mà chủ nhân của nó ở đâu mãi tận Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau…

Quan niệm của họ khi mua nhà là vừa có chỗ ở cho con, đỡ tốn tiền thuê mướn phòng trọ rồi sau này khi con ra trường, nếu xin được việc làm ở Mỹ thì nhà cửa đã có sẵn. Mặt khác, họ coi đó như một khoản đầu tư theo kiểu "đánh bắt xa bờ" đồng thời nếu họ qua Mỹ thăm con thì cũng dễ dàng hơn trong việc xin visa.

2. Thế nhưng, nhiều người khi có ý định mua nhà ở Mỹ lại không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng về mặt thủ tục. Có người sẵn sàng xỉa ngay 500.000 USD tiền "tươi" mua một căn nhà, nhưng bỏ 1.000 USD để nhờ luật sư tư vấn thì họ lại tiếc nên đã xảy ra lắm chuyện oái oăm. Hôm thứ tư tuần trước, tôi ghé thăm ông bạn luật sư người Mỹ là Cosby thì tình cờ cũng là lúc ông đang tiếp một thân chủ người Việt, quê ở An Giang, tên Bé cùng con trai ông.

Theo ông Bé, hơn 20 năm làm nghề nuôi cá basa nên ông đã tích cóp được một số vốn kha khá. Khi thằng con trai đầu lên lớp 12, ông dự định cho con sang Mỹ theo diện du học tự túc. Sau vài lần đi Mỹ thăm dò tình hình, ông quyết định mua nhà để mai này, đứa con có chỗ ăn ở.

Thông qua một người bà con bên vợ ở Westminster giới thiệu, ông chọn được một căn nhà nằm ở phía tây quận Cam (Orange County) với giá 270.000USD. Ông nói: "Mỗi lần qua đây, theo quy định của Nhà nước Việt Nam, tui không được mang quá 7.000 USD. Như vậy muốn mua căn nhà 270.000USD, tui phải qua Mỹ… 40 lần mới gom đủ". Còn nếu mang thẻ tín dụng thì mỗi lần rút tối đa chỉ được 10 nghìn. Nhưng nếu rút liên tục 3 hoặc 5 lần trong một ngày - tùy theo luật lệ của từng bang, Cảnh sát liên bang (FBI) sẽ… vỗ vai hỏi thăm ngay!

Tôi hỏi sao ông không xin phép Chính phủ Việt Nam để chuyển tiền chính thức một lần? Ông Bé cười méo xẹo: "Tui nghe người quen ở ngân hàng nói nếu muốn chuyển tiền qua Mỹ một cách chính thức, ngoài hồ sơ thể hiện việc mua nhà, tui còn phải chứng minh nguồn gốc của số tiền ấy, thí dụ như bán nhà, bán ao nuôi cá nhưng mấy thứ đó tui có bán hồi nào đâu. Còn khai là thu nhập do bán cá thì nói thiệt với anh, gì thì gì cũng phải "luồn lách" chút đỉnh. Bây giờ nếu khai, Nhà nước đối chiếu hồ sơ thuế, hóa đơn mua thức ăn chăn nuôi, hóa đơn xuất bán cá… thì lòi ra nhiều chuyện lắm".

Vậy là ông chọn con đường chuyển tiền "chui", và người nhận là người bà con bên vợ ông, tên Tony Huỳnh. Cũng theo lời tư vấn của vợ chồng người này thì khi mua nhà, họ sẽ đứng tên giùm ông vì ông không có quy chế thường trú, làm giấy tờ khó lắm! Ông Bé kể: "Tin vào mối quan hệ gia đình, tui đồng ý".

Ai dè hơn một năm sau, khi con ông tốt nghiệp cấp 3 và khi giấy tờ du học hoàn tất, cha con ông lên đường qua Mỹ: "Lúc tới nơi, tui chưng hửng khi biết rằng căn nhà tui bỏ tiền ra mua, bà con bên vợ tui đã cho người khác mướn, mỗi tháng 3.000 USD, hợp đồng 5 năm. Hỏi tại sao làm vậy? Họ nói nhà bỏ không cũng phải đóng thuế nên họ cho thuê để bù vào".

Vẫn theo ông Bé, nếu muốn lấy lại nhà, vợ chồng Tony Huỳnh phải bồi thường cho người thuê, chưa kể họ còn có thể kiện ra tòa về tội bội tín. Mà bồi thường thì ông phải móc tiền túi vì Tony Huỳnh… không có tiền!

Ông nói: "Điên máu, tui yêu cầu thằng Tony phải viết giấy xác nhận cho tui là căn nhà đó chính tui bỏ tiền ra mua, vợ chồng nó chỉ đứng tên giùm" nhưng ác thay, theo lời luật sư Cosby, bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có quyền mua và sở hữu nhà tại Mỹ. Chỉ có khác là họ không thể vay ngân hàng Mỹ nên họ phải chứng minh nguồn gốc số tiền họ đem vào Mỹ để mua nhà. Nếu Tony Huỳnh viết giấy xác nhận tiền mua nhà là của ông Bé thì phải ra văn phòng chưởng lý công chứng mới có giá trị. Mà đã ra đến chưởng lý thì sẽ lòi cái vụ chuyển tiền "chui", số tiền ấy có thể sẽ mất trắng.

Nhìn cha con ông Bé thất thểu đứng dậy sau khi đã đóng 150 USD tiền luật sư tư vấn, tôi nghĩ nếu ông chịu khó tìm hiểu trước thì đâu đến nỗi phải ngậm quả đắng như bây giờ. Nghe ông nói với thằng con: "Thôi để ba mướn nhà cho con ở. Bốn năm nữa người thuê hết hợp đồng thì nhà lại là của mình" mà tôi nao lòng bởi lẽ chủ quyền nhà vẫn thuộc về người bà con bên vợ ông. Sau 4 năm, nếu họ âm thầm ký tiếp hoặc bán đứt thì coi như… mất trắng!

Sống ở Việt Nam, mua nhà ở Mỹ: Lắm khi ngậm bồ hòn… ảnh 1

Không ít gia chủ treo bảng bán nhà.

3. "Mua nhà ở Mỹ, nếu không phải là thường trú nhân thì điều tiên quyết là phải tìm hiểu thủ tục pháp lý thật kỹ lưỡng", luật sư Cosby nói: "Việc tìm hiểu có thể thông qua công ty môi giới vì những người này chỉ được phép hành nghề sau khi đã thi đậu "chứng chỉ môi giới". Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ về môi giới nhằm bảo vệ an toàn cho cả người mua lẫn người bán nên không sợ họ thông đồng để kiếm tiền "cò".

Nhưng cũng vì không tìm hiểu kỹ nên chị Phương ở Sài Gòn đã lâm cảnh dở khóc dở cười. Theo lời chị, lúc đọc trên một trang web chuyên về bất động sản, chị không tin vào mắt mình khi nhìn thấy dòng chữ "Bán một căn hộ 2 phòng ngủ, một phòng khách tại thị trấn Hayden, bang Idaho với giá 500 USD".

Thông tin ấy đã khiến "giấc mơ Mỹ" trong lòng chị sôi sùng sục: "Mặc dù qua mạng Internet, tôi biết thị trấn Hayden là nơi khỉ ho cò gáy, nằm giữa hoang mạc nhưng chỉ với hơn 10 triệu đồng tiền Việt, mà lại có nhà… ở Mỹ thì tội gì không mua để được qua Mỹ".

Rồi thế là sau nhiều thủ tục, ước mơ của chị đã toại nguyện. Bạn bè trong chỗ chị làm nhiều người lác mắt vì "con Phương có nhà ở Mỹ". Tuy nhiên khi sang đến nơi, chị mới té ngửa ra rằng căn nhà này đã có tuổi đời 102 năm, nhìn bề ngoài thấy vẫn còn "sáng" nhưng bên trong xập xệ hết biết: "Còn thua cả căn nhà của mình ở trong hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP HCM", chị Phương nói.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, những căn nhà có tuổi đời từ 99 năm trở lên nếu xuống cấp, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm an toàn, chủ nhà không ở được thì cũng không được phép đập bỏ hay tháo dỡ. Muốn tu sửa phải giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà ấy vì nó được xếp vào diện "nhà cổ". Chị Phương cho biết: "Theo phiếu báo giá của một công ty nội thất, nếu sửa chữa căn nhà này để "ở được", tôi phải tốn 200.000USD!".

Tìm hiểu nguồn cơn vì sao lại có nhà rẻ như vậy, chị mới hay ở Mỹ, nếu muốn hưởng những ưu đãi về thuế, về lãi suất ngân hàng, mỗi gia đình chỉ được mua một căn để sinh sống. Nếu mua căn thứ hai, họ sẽ bị xếp vào diện đầu tư nên thuế sẽ cao hơn và lãi suất tiền vay ngân hàng cũng cao hơn. Vì vậy, muốn mua nhà mới thì phải tống khứ được căn nhà cũ. Hơn nữa, vì nhà cũ không còn ở được nên chủ nhà tung ra "giá sốc" để khỏi phải ôm cái của nợ, thậm chí nhiều nhà rao bán với giá chỉ… 1 USD.

4. Trước đây, đối với người Việt, việc mua nhà ở Mỹ là cả một vấn đề. Nó khó khăn chẳng những vì luật lệ mà còn vì giá cao ngất ngưởng. Nhưng nay thì không, giá nhà ở Mỹ rớt thê thảm do thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Ở những khu vực của người da đen hoặc Mexico, nhiều nhà giảm tới 50% - thậm chí 70% so với giá trị thực nhưng những khu vực này thường có nhiều tệ nạn. Ở khu người Việt, giá giảm khoảng 40% còn khu Mỹ da trắng, nhà chỉ giảm tối đa chừng 20% vì khác với người Việt, dân Mỹ trắng ưa chọn những nơi yên tĩnh gần bờ biển hoặc đồi núi. 

Một cơ hội nữa cho người Việt muốn mua nhà trên đất Mỹ là những căn nhà bị ngân hàng tịch biên vì gia chủ không còn khả năng trả góp tiền mua nhà. Ngay tại quận Cam, theo tìm hiểu của tôi, hiện có chừng 2.000 căn như vậy. Ông Tuấn, giám đốc một công ty tư nhân ở Sài Gòn cho biết, ông vừa mua được một căn gồm 1 phòng khách, 1 nhà bếp, 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm và một gara đỗ xe chỉ với 170.000 USD. 

Ông nói: "Sau khi được cung cấp lý lịch căn nhà, tôi phải trả cho công ty môi giới 2% và cơ quan công chứng 3% trên tổng trị giá. Điều khiến tôi ưng ý nhất là trong lý lịch nhà, họ nói rõ chất lượng của hệ thống điện, hệ thống ống dẫn gas, máy lạnh, đường cáp truyền hình, chất lượng sàn gỗ, cột bê tông, mái nhà, móng nhà…".

Thế nên, nếu quyết định mua nhà tại Mỹ, dù mua để con cái sinh sống, học tập hoặc mua để đầu tư theo kiểu "đánh bắt xa bờ" thì người mua cần tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc ngôi nhà cũng như thủ tục pháp lý.

Ông Sang, đại lý một hãng xe gắn máy của Nhật Bản ở TP HCM nói: "Tôi mua căn nhà cấp 2 ở khu Chinatown, thành phố Los Angeles với giá 250.000 USD. Vì không biết đây là nhà townhouse - nghĩa là mặt tiền ngôi nhà và khoảng sân trước mặt là của chính phủ - nên tôi cơi nới thêm cho rộng ra. Ai dè đang làm, cảnh sát tới lập biên bản, phạt 15.000 USD và buộc phải tháo dỡ ngay lập tức…".

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.