Sóng ngầm

Sóng ngầm
TP - Thị trấn Ferguson (Missouri) lại chìm vào những ngày u tối sau khi bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết không truy tố nhân viên cảnh sát Darren Wilson vì đã bắn chết thanh niên da màu Michael Brown cách đây ba tháng. Phán quyết một lần nữa thổi bùng làn sóng tức giận trên khắp nước Mỹ, khoét sâu mâu thuẫn chủng tộc tại quốc gia này.

Thực trạng thành kiến sắc tộc vẫn còn tồn tại như cơn sóng ngầm tại Mỹ. Sự thiếu quan tâm đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi không chỉ thể hiện ở thái độ kỳ thị, sự nghi ngờ mà còn thể hiện trong các hệ thống và thể chế công lý. Một báo cáo của cơ quan tư pháp bang Missouri công bố năm 2013 cho thấy hơn 85% số lái xe bị cảnh sát chặn lại trong thị trấn là người da đen, và tỷ lệ người da đen bị bắt giữ cao gấp đôi so với người da trắng. Không chỉ như vậy, sự kỳ thị về chủng tộc cũng khiến người Mỹ gốc Phi có ít cơ hội hơn so với người da trắng trong các lĩnh vực việc làm, kinh doanh… Đơn cử như thị trấn Ferguson, có 21.000 dân, trong đó có tới 63% là người Mỹ gốc Phi. Cộng đồng da đen chiếm đa số song hầu hết là dân nghèo. Trong khi đó, cộng đồng người da trắng chỉ đứng ở vị trí thiểu số song lại nắm giữ hầu hết các vị trí quan trọng trong thị trấn. 

  

Làn sóng bạo loạn phản đối bùng phát sau cái chết của Brown một lần nữa cho thấy vấn đề sắc tộc vẫn hết sức nhức nhối ở Mỹ. Trong quá khứ, nước Mỹ đã từng nhiều lần đối mặt với những cơn giận dữ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trước những phán quyết thiên vị người da trắng trong những vụ án phân biệt chủng tộc. Điển hinh là năm 2013, Tòa án bang Florida tuyên bố trắng án đối với bị cáo George Zimmerman, người bị cáo buộc sát hại Trayvon Martin, một thanh niên da đen 17 tuổi, và vụ tòa án tha bổng cho các cảnh sát thành phố Los Angeles bị tố cáo đánh đập một tài xế da đen hồi năm 1992.?

Sự kiện ông Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ đã làm dấy lên hy vọng về sự bình đẳng hơn giữa người da đen với người da trắng. Tuy nhiên, thực tế đã không được như kỳ vọng. Làn sóng bạo loạn bắt nguồn từ Ferguson một lần nữa cho thấy ngọn lửa kỳ thị chủng tộc vẫn cháy âm ỉ và dễ dàng bùng nổ dữ dội, gây nên những hậu quả xã hội khôn lường tại nước Mỹ.

Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ sau khi Mục sư Martin Luther King có bài diễn thuyết đầu tiên về bình đẳng chủng tộc, song nền dân chủ Mỹ vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng kỳ thị và bất bình đẳng này.


MỚI - NÓNG