Sống để nói tiếp lời đồng đội

Anh Tấn thay mặt Ban liên lạc tặng quà cho mẹ của đồng đội đã hy sinh tại Gạc Ma nhân kỷ niệm 22/12/2014
Anh Tấn thay mặt Ban liên lạc tặng quà cho mẹ của đồng đội đã hy sinh tại Gạc Ma nhân kỷ niệm 22/12/2014
TP - May mắn trở về từ Trường Sa, có gia đình nhà cửa, con cái du học, trong khi bạn bè cùng xóm trên chuyến tàu tháng 3/1988 ra Trường Sa đều nằm lại Gạc Ma bi tráng giữa tuổi thanh xuân. Người đàn ông ấy lúc nào cũng cảm thấy mình đang “sống nhờ” phần của đồng đội. Thế nên, người cựu binh 49 tuổi, tóc luống bạc, luôn tất bật chăm lo cho gia đình đồng đội cũ, như việc của nhà mình, như bổn phận, như trả ơn… 

Cầu nối cho người đã khuất 

Đến bây giờ cái tên Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988 ở Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc, nhiều người, nhiều cơ quan đơn vị biết và tìm đến. Anh Nguyễn Văn Tấn tự hào về điều đó. Trở về Trường Sa năm 1988, ý tưởng giúp đỡ, san sẻ khó khăn với thân nhân đồng đội cứ day dứt anh đêm ngày. Nhưng thời ấy ai cũng đói, cũng khổ như ai. Cộng với những ngại ngần thế cuộc, để thời gian cứ cuốn đi…

Mãi tới năm 2011, khi tình hình biển Đông nóng dần, kỷ niệm ngày 14/3 hải chiến Gạc Ma mới có dịp gặp lại anh em đồng đội một thời cùng nhau đi giữa lằn sinh tử. Cuộc gặp mặt đầu tiên sau 23 năm ai cũng rưng rưng, sống lại với những ký ức bi tráng cùng tình yêu Trường Sa. 

Tròn một năm sau, đúng dịp 27/7, anh cùng 4 đồng đội khác là Nguyễn Lê Cao Nguyên, Lê Văn Phương, Trương Văn Hào, Nguyễn Văn Bình gom góp, kêu gọi hỗ trợ tổ chức buổi ra mắt Ban liên lạc và gặp mặt tri ân gia đình cựu binh Trường Sa. Đài truyền hình phát trực tiếp. Chi phí hết hơn 100 triệu đồng, nhưng ai nấy đều vui khi chương trình gây ấn tượng mạnh. Các mẹ, thân nhân liệt sĩ không giấu nổi nước mắt, bất ngờ, xúc động khi gặp lại nhau.

Ban liên lạc cựu binh Trường Sa do anh Tấn làm trưởng ban chính thức hoạt động. Từ đấy nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến hỗ trợ, nhiều chương trình hoạt động tri ân mời các cựu binh, thân nhân liệt sĩ dự và tặng quà. Ban vận động được 20 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) hỗ trợ quân nhân và thân nhân gia đình khó khăn. 

Mẹ Lê Thị Lan - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc lo âu bởi chỗ đặt ảnh thờ con trai đã xập xệ dột ướt. Anh Tấn liền chạy gõ cửa các cơ quan đơn vị, để rồi có được 50 triệu đồng từ nhà hảo tâm giúp mẹ xây sửa căn gác làm nơi thờ tự đàng hoàng.

Mẹ Lan mừng khôn xiết: “Nhờ chú Tấn nên giờ có chỗ cho con đi về, nhang khói ngày lễ, mẹ mới yên lòng được”. Mẹ có 7 người con, ngoài liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc hy sinh trong trận Gạc Ma 14/3/1988, số còn lại bươn chải, tất tả đi làm ăn ở xa. Mẹ ở một mình, ngày ngày niệm kinh cầu cho thân xác con ngoài biển khơi được siêu thoát.

“Trước còn sức khỏe thì đi rửa bát thuê vừa để trang trải vừa để nguôi ngoai nỗi thương nhớ con. Nhưng từ sau khi mắc bệnh tai biến chẳng đi lại được nhiều, có chuyện chi là cũng lại gọi chú Tấn lo giúp”- mẹ Lan trần tình.

Nhiều gia đình không có tấm ảnh con để thờ, hầu hết là ảnh vẽ lại nhưng không mặc áo hải quân nên không ai biết đó là liệt sĩ Trường Sa. Ban liên lạc liền huy động kinh phí làm mới lại di ảnh cho 9 đồng đội liệt sĩ Trường Sa người Đà Nẵng. Tới hôm, sau khi nghe chuyện liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn còn thờ bằng tấm di ảnh vẽ lại đơn sơ, anh Tấn lại tất bật đi làm ảnh mới.

“Dù bận mấy cũng ráng làm cho xong trước ngày 27/7 để liệt sĩ có tấm di ảnh đàng hoàng. Anh em hy sinh vì biển đảo Trường Sa thì dù mất đi cũng phải được khoác lên mình chiếc áo hải quân chứ”, anh Tấn day dứt.

Mẹ Nguyễn Thị Trước - mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi, sinh bảy lần mẹ còn lại ba người con. Phạm Văn Lợi xung phong làm lính biển rồi ở lại với Trường Sa. Hai người con còn lại thì một mắc chứng bệnh down, hơn 40 tuổi vẫn như một đứa trẻ. Ít thấy mẹ vui nên anh thường xuyên lui tới. khi đau ốm thì mua ít đường sữa, khi không có thì ngồi nói chuyện cho mẹ nguôi ngoai. Kể chuyện mẹ, có đơn vị tìm đến trao sổ tiết kiệm 50 triệu đồng. Thấy mẹ vui anh cũng vui lây.

Sống để nói tiếp lời đồng đội ảnh 1

Anh Tấn (ngoài cùng bên phải) - phút giây gặp lại đồng đội cũ Trường Sa Gạc Ma - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (giữa) dịp tháng 3/2013. Ảnh: Nguyễn Huy

Trong số 9 liệt sĩ Trường Sa tại Đà Nẵng có Trần Tài vốn là bạn thân suốt 12 năm cắp sách. Nhà cũng ở cùng phường nên tiện cho việc lui tới thăm hỏi. Anh tâm sự, day dứt nhất vẫn là trường hợp liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn. Do quan niệm của gia đình nên di ảnh vẫn thờ ở ngoài sân chứ không được mang vào nhà dù anh thuyết phục bằng mọi cách. Mẹ Huỳnh Thị Kế khổ cực đến tận cuối đời. Hết gánh rau chăm chồng bệnh nay đã già yếu lại ở một mình. 

Cả câu chuyện cuộc đời buồn khó của cựu binh Dương Văn Dũng (sau trận Gạc Ma bị Trung Quốc giam giữ một thời gian) cũng khiến anh không khỏi lo âu. Cũng có nhiều tổ chức tìm về, hỗ trợ xây nhà cửa và đỡ đần kinh tế, nhưng sức khỏe và cả tinh thần của người đồng đội đầy đau thương và ám ảnh không thể dứt rời

Sống để nói tiếp lời đồng đội ảnh 2

Kỷ vật cuối cùng của Trường Sa là con ốc 5 cạnh được anh cất giữ cẩn thận 

Thương tụi nó còn chưa có người yêu

“Mình thì có tới… 2 vợ, còn tụi nó còn chưa kịp có người yêu”, anh Tấn tự trào một cách bùi ngùi. Là anh đang kể về những người bạn nối khố cùng xóm với nhau và cùng nhau ra Trường Sa một ngày. Ngày 11/3/1988, từ Đà Nẵng, lính công binh Lữ 83 Hải quân (E83 cũ) cùng nhiều đơn vị khác cấp tốc hành quân ra Trường Sa xây dựng thế trận phòng thủ.

Theo phân công, Nguyễn Văn Tấn cùng một “khung” 35 người theo tàu đầu kéo Đại Lãnh ra đảo đá Tốc Tan. Còn nhóm bạn Trần Tài, Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng, Lê Văn Xanh, Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Văn Lợi, Nguyễn Phú Đoàn… thì lên tàu HQ 604 hành quân ra Gạc Ma. Hai đảo cách nhau chừng mấy chục hải lý.

Thế rồi sáng 14/3, xảy ra sự kiện Gạc Ma bi tráng. Tàu HQ 604 bị Trung Quốc bắn chìm, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số chiến sĩ hy sinh, trong đó có 9 chiến sĩ người Đà Nẵng. Trưa ấy, từ đảo đá Tốc Tan, nghe tin dữ qua radio, Nguyễn Văn Tấn chết lặng…

Ra quân, Tấn lập gia đình, năm 1991 có đứa con trai đầu Nguyễn Bách Trung. Năm 2000, vợ chồng chia tay, mình anh nuôi con. Buồn tình, anh cắp sách đi học tại chức Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Anh kể trong số 80 người ra Trường Sa năm 1988, đếm lại giờ chỉ có 3 người học đại học, là anh Lê Văn Mành (đang làm thủ kho Petrolimex Đà Nẵng), Nguyễn Lê Cao Nghiêm (ban giải tỏa đền bù của thành phố), và anh.

Cũng nhờ đi học, cơ duyên đưa người cựu binh Trường Sa đến với người vợ mới. Sau bão lịch sử Xangsane năm 2006, nhà máy lắp ráp xe máy ở KCN Hòa Khánh nơi anh làm quản đốc phân xưởng bị sập hoàn toàn. Anh nghỉ việc nhảy ra ngoài mở Trung tâm bảo trì phụ tùng xe máy Tấn Sơn tại 215 Núi Thành từ bấy đến giờ.   

Cậu con trai nhỏ xíu ngày nào, giờ đang là sinh viên một trường Cao đẳng tại bang Ohio (Mỹ). Một niềm vui nữa là cậu con trai thứ hai, 8 tuổi, dễ thương, ngoan ngoãn nghe lời. Kinh tế gia đình cũng đã tạm ổn nên cả vợ con đều ủng hộ để anh thực hiện tâm nguyện với đồng đội. 

Hỏi anh còn nhớ gì, giữ gì từ Trường Sa? Anh lôi ra con ốc đá, kỷ vật duy nhất còn giữ.

“Tiếc rằng 10 cuốn nhật ký và thơ ghi ở Trường Sa ngày ấy không còn. Tự tay tôi đã đốt chúng trong một phút giây bồng bột, không kìm chế nổi khi nghĩ về những nỗi đau, mất mát của những người bạn đồng đội. Quá khứ nếu chỉ làm người ta cồn cào day dứt thì cũng phải cất giấu đi” – anh nghẹn ngào. Nhưng sau đó anh mới biết mình đã sai lầm.

Ký ức, nỗi nhớ không có mồi lửa nào đốt thành tro bụi được. Nỗi nhớ Trường Sa lại quay quắt, anh bảo ước mơ lớn nhất bây giờ là được quay lại nơi ấy một lần nữa…

MỚI - NÓNG