Ô nhiễm môi trường đô thị: Báo động!

Sống chung với ô nhiễm, khí độc

TP - Ô nhiễm bụi ở các thành phố vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, nhiều loại khí độc (NOx, O3 , CO) có dấu hiệu vượt quy chuẩn thời gian gần đây, khiến tỷ lệ các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ em. Đây là thông tin từ Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị, dự kiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tới đây.

Gia tăng khí độc, hại bất thường

Theo các nghiên cứu, khí NO2 có thể làm tổn thương niêm mạc phổi, làm tăng nguy cơ các bệnh về hô hấp. Khí O3 (Ozon) làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào, gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi, làm nặng hơn các bệnh về hô hấp. Trong khi đó, khí CO làm giảm khả năng vận chuyển oxy dẫn đến thiếu oxy trong máu. Cả 3 loại khí gây bệnh về hô hấp này đều ghi nhận sự gia tăng trong thời gian qua ở các đô thị lớn, chủ yếu do giao thông, xây dựng và hoạt động công nghiệp. 

Sống chung với ô nhiễm, khí độc ảnh 1 Minh họa: Khều.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nêu rõ: nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây. NO2 có dấu hiệu ô nhiễm và tăng mạnh vào giờ cao điểm giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TPHCM... Nồng độ khí CO cũng tăng lên trong giờ cao điểm tại các trục giao thông và xung quanh các khu công nghiệp nằm trong đô thị.

Riêng khí O3, từng ghi nhận sự gia tăng bất thường ở các đô thị lớn, nay tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo, tại các trạm quan trắc tự động gần đường giao thông, nồng độ O3 đã vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam trong khá nhiều ngày trong năm.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết trong một hội thảo gần đây, kết quả quan trắc không khí ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều ghi nhận nồng độ O3 vượt ngưỡng cho phép với tỷ lệ khá cao, nhất là các ngày nắng nóng, cao nhất ở thời điểm 12-15h. Đặc biệt, có hiện tượng O3 cao về đêm, trái quy luật.

Sống chung với ô nhiễm, khí độc ảnh 2 Ô nhiễm bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn vẫn duy trì ở ngưỡng cao gần đây trong số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...  Ảnh: Ngọc Châu.

Đồng thời, ô nhiễm bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận nhiều năm qua vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian gần đây, nhất là ở các công trình xây dựng giao thông, khu đô thị mới. Đây được coi là vấn đề nổi cộm nhất trong ô nhiễm ở đô thị Việt Nam. Bụi khi tích đọng trong xương và hồng cầu gây rối loạn tuỷ xương, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp, tai biến não, các bệnh về hô hấp.

Trong khi đó, các chương trình quan trắc quốc gia cho thấy, hơn 80% số mẫu quan trắc ghi nhận hàm lượng bụi vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Riêng ở các công trường xây dựng như khu đô thị mới, hệ thống đường giao thông đang xây dựng, nồng độ ô nhiễm bụi rất cao do các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường.

Trước đó, một báo cáo độc lập của Tổ chức Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 37 ngày nồng độ PM 2.5 (loại bụi mịn mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể -PV) cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia và có 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thành phố Hồ Chí Minh cũng có đến 78 ngày có nồng độ PM 2.5 cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO.

Khó xử lý?

Trong các vụ khiếu nại về ô nhiễm tiếng ồn, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều cho rằng rất khó xử lý người vi phạm. Khi thấy có người kiểm tra thì họ vặn nhỏ hoặc tắt nhạc. Khi kiểm tra xong, chuyện đâu lại vào đấy, mặc cho người dân bị ảnh hưởng nhọc công khiếu nại.

Đề cập đến việc người dân phản ánh nhiều về tiếng ồn nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để, một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM thừa nhận, có sự “thả trôi” cho qua chuyện của chính quyền địa phương. Vị cán bộ này cho biết, hiện đơn vị chỉ phối hợp với thanh tra Sở TN&MT kiểm tra, xử lý những trường hợp cơ sở kinh doanh gây ồn lớn, ảnh hưởng đến nhiều người, còn những vụ nhỏ thì do Phòng TN&MT quận, huyện phụ trách. “Khi người dân phản ánh với UBND phường xã mà không được giải quyết thì nên gửi đơn trực tiếp đến phòng TN&MT địa bàn mình cư trú, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm và có chuyên môn, phương tiện kỹ thuật đo độ ồn để kiểm tra xử phạt” - vị này hướng dẫn.

Báo cáo môi trường quốc gia cũng ghi nhận, ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều đô thị Việt Nam. Tại các tuyến đường giao thông lớn, ô nhiễm tiếng ồn đều vượt quy chuẩn trong khung giờ từ 6-21h. Ngay cả các đô thị nhỏ ô nhiễm tiếng ồn giao thông vẫn diễn ra. Cả 14 tuyến đường ở nhiều thành phố được quan trắc đều có độ ồn cao hơn quy chuẩn. Tại các điểm dân cư trong đô thị cũng khá cao.   

Theo báo cáo, dù chưa có nhiều nghiên cứu song ô nhiễm tiếng ồn gây tác động xấu tới sức khoẻ và đời sống sinh hoạt của người dân. Tiếng ồn ở mức cao, thường xuyên sẽ gây nên bệnh đau đầu, chóng mặt, trạng thái tâm thần bất ổn và mệt mỏi.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.