Sống chung với ngập lụt

Mặc dù đã là ngày thứ 4 ngập lụt, nhưng nhiều ngôi nhà ở Tân Hoá nước vẫn lắp xắp mái
Mặc dù đã là ngày thứ 4 ngập lụt, nhưng nhiều ngôi nhà ở Tân Hoá nước vẫn lắp xắp mái
TP - Chiếc xuồng cao tốc của quân đội vù ga tăng tốc rời bến, chở chúng tôi hướng về trung tâm xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá (Quảng Bình). Thi thoảng người lái thuyền lại giảm ga, bẻ lái giữa mênh mông nước.   

Dường như đoán được thắc mắc của chúng tôi, người lái xuồng cười nói: “Phía dưới là rừng bạch đàn, giờ nước đã rút được gần 2m rồi, nên phải tìm luồng mà đi nếu không chân vịt bị gãy vì vướng vào ngọn bạch đàn. Mấy hôm trước chạy bon lắm!”.

Lũ lụt giữa bốn bề đá vôi

Cũng phải mất hơn 30 phút lượn lách trên mặt nước, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Tân Hoá. Trên đường đi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Vũ Đại Thắng liên tục đặt câu hỏi về tình hình lũ lụt của Tân Hoá với lãnh đạo huyện Minh Hóa. Mặc dù được báo cáo là rất ổn, nhờ 100% hộ gia đình có nhà phao nổi trên mặt nước nên thiệt hại không nhiều, người dân vẫn bình an vô sự… nhưng vẻ mặt ông vẫn bồn chồn, lo lắng. Không lo lắng sao được, khi ông là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mới vào nhậm chức ở Quảng Bình thì gặp lũ lớn. Có vẻ như ông không thể hình dung được, nước ngập mái nhà mà “người dân vẫn bình an vô sự”.

Là vùng đất lòng chảo, nằm lọt thỏm giữ bốn bề núi đá vôi, Tân Hóa được ví như chiếc túi đựng nước, nên lũ lụt ở đây cũng không giống như  những vùng khác. Bao giờ cũng vậy, ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, Tân Hóa là nơi ngập lụt đầu tiên nhưng lại rút sau cùng. Đã là ngày thứ 4 Tân Hóa ngập lụt, nhưng nhiều ngôi nhà nước lũ vẫn lắp xắp mái. Trên mặt nước, những chú cò trắng lẻ bạn lượn lờ tìm nơi trú ẩn; xa xa phía núi, làn sương mờ ảo vương vấn khói lam chiều. Tân Hóa mùa lũ lụt đẹp như một bức tranh thủy mặc, bình yên đến lạ.

Sống chung với ngập lụt ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình tặng quà người dân Tân Hóa

Chiếc xuồng giảm ga, lách qua hàng cây để tiến vào ngôi nhà phao đang nổi trên mặt nước của một gia đình ở thôn Yên Thọ. Mũi thuyền chưa kịp cập vào, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã nhảy tót lên nhà phao trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Hóa ra, ông vội vàng như vậy là để kiểm chứng những lời báo cáo của lãnh đạo huyện Minh Hóa. Ông cứ hỏi đi hỏi lại chủ nhà: Có thiệt hại gì không, có bị đói không, có bị khát không…? Rồi ông tự tay dở từng nắp nồi trên chạn bếp, nắp thùng đựng nước, tự tay sờ vào từng bao gạo.

Sau cuộc “cật vấn” chủ nhà và trực tiếp kiểm tra kỹ lưỡng, ông trao thùng mì tôm tặng chủ nhà, nói lời động viên và quay ra xuồng. Dường như vẫn chưa yên tâm lắm về cuộc tiếp xúc vừa rồi, ông nhìn quanh một lượt rồi chỉ tay về phía ngôi nhà phao có vẻ nhỏ nhất, nơi có một cụ bà và mấy đứa trẻ đang ngồi bậu cửa nhìn ra. Mạn xuồng vừa cập vào, ông lại nhảy lên nhà phao, lại “cật vấn”, lại tự tay kiểm tra… “Nói lũ lụt mà không khó khăn vất vả thì không đúng, nhưng ở đây năm nào cũng lụt nên quen rồi. Nhờ có nhà phao nên của cải, tính mạng người dân đều được an toàn, trâu bò thì cho lên núi cả nên thiệt hại không nhiều. Giờ ngại nhất là sau lũ, nước rút phải dọn dẹp, mà phải dọn từ mái nhà dọn xuống nên rất mệt” - anh Trương Xuân Duy nói với vị bí thư tỉnh ủy.

Ngạc nhiên Tân Hóa

Trận lũ lịch sử năm 2010 nhấn chìm toàn bộ xã Tân Hóa. Người dân chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người” lên núi trú ẩn. Cả xã gần 1.000 nóc nhà đều chìm trong biển nước. Đói rét, bệnh tật bủa vây người dân Tân Hóa gần nửa tháng trời nơi bìa rừng. Trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ, huyện Minh Hóa và tỉnh Quảng Bình lúc đó đã tính đến phương án giúp người dân Tân Hóa tránh lũ. Hai giải pháp được đưa ra là di dời dân đi nơi khác hoặc phá núi khơi thông dòng chảy, nhưng bất thành vì kinh phí quá lớn.

Sống chung với ngập lụt ảnh 2 Người dân Tân Hóa vẫn tươi cười trong lũ

Không còn cách nào khác, người dân Tân Hóa đành phải tìm cách “sống chung với lũ”. Bằng kinh nghiệm hàng ngày vượt sông suối bằng bè, mảng, họ đã tự thiết kế cho mình những ngôi nhà bè nổi trên mặt nước. Mỗi chiếc nhà bè rộng từ 15 đến 20m2, được chồng lên từ 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước lên là nhà nổi và được cố định bằng dây néo. Lũ về, trên ngôi nhà bè ấy, là nơi cư trú cho cả gia đình 8 đến 10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, lương thực, lợn, gà..., thậm chí là hàng quán phục vụ người dân trong những ngày mưa lũ kéo dài.

Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa nói: “Từ ngày 6/10, trước tình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn người dân chủ động đưa hơn 2.000 con trâu, bò lên vùng cao để tránh lũ. Các tài sản lớn trong nhà không thể đưa được lên nhà nổi thì chằng buộc cẩn thận để phòng tránh bị trôi, hư hỏng. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, mặc dù Tân Hóa đã có trên 550 ngôi nhà bị ngập sâu nhưng không có thiệt hại về người và tài sản có giá trị. Tất cả là nhờ nhà phao và kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người dân.”

Theo ông Duẫn, những năm qua, ngoài những hộ khá giả tự đầu tư, các hộ khó khăn hơn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ để làm nhà phao tránh lũ. Đặc biệt, năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình hỗ trợ Tân Hóa 58 nhà phao. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, 100% hộ dân của xã Tân Hóa đều đã có nhà phao để “sống chung với lũ”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình không khỏi ngạc nhiên khi biết, Tân Hoá đang chuẩn bị hoàn thành chương trình nông thôn mới trong năm nay. Từ chỗ mỗi năm thu ngân sách được vài triệu đồng, nay Tân Hoá đã thu ngân sách hơn 1 tỉ đồng nhờ vào phát triển du lịch.

Trước khi rời Tân Hoá, ông Vũ Đại Thắng đã động viên khích lệ những thành quả mà chính quyền và nhân dân Tân Hoá đạt được. Đồng thời, không quên căn dặn lãnh đạo Tân Hoá, dù đã thành công trong việc sống chung với lũ nhưng không được chủ quan lơ là vì mưa lũ luôn diễn biến phức tạp; tuyệt đối không được để thiệt hại về người, luôn sát dân để biết gia đình nào khó khăn thì hỗ trợ khẩn cấp.

Ngồi trên xuồng cao tốc để rời Tân Hoá, gương mặt của vị Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình khác hẳn khi đi vào. Ông lấy điện thoại của mình ra chụp phong cảnh Tân Hoá mùa lũ lụt. Có lẽ ông muốn lưu lại những khoảnh khắc này làm kỷ niệm. 

Không còn cách nào khác, người dân Tân Hóa đành phải tìm cách “sống chung với lũ”. Bằng kinh nghiệm hàng ngày vượt sông suối bằng bè, mảng, họ đã tự thiết kế cho mình những ngôi nhà bè nổi trên mặt nước.

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.