Miền Trung ngập trong nước lũ

Nhiều ngôi làng ở Quảng Nam ngập chìm trong nước
Nhiều ngôi làng ở Quảng Nam ngập chìm trong nước
TP - Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến nhiều địa phương ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam ngập trong nước lũ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp...

Huế chạm mốc lũ lịch sử năm 1999

Mức lũ trên sông Bồ qua hai huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà (TT-Huế) bất ngờ tái lập mốc lịch sử năm 1999, khiến hàng vạn ngôi nhà chìm trong bể nước. Tại huyện Phong Điền đã có 14/16 xã, thị trấn ngập trong nước, với số lượng hơn 4.000 nhà ngập; có nơi nước dâng cao đến hơn 2 mét, nhiều hộ dân bị nước lũ bao vây, cô lập, nguy cơ thiếu đói vì không tiếp cận được bên ngoài. Bên cạnh triển khai di dời dân đến nơi an toàn, chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang địa phương tại Phong Điền như công an, quân đội cũng kịp thời có mặt để hỗ trợ lương thực, thuốc men cho dân bị lũ “vây” mắc kẹt.

Còn tại “rốn lũ” Hương Trà, hạ nguồn sông Bồ, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết, lũ trên sông Bồ vẫn ở mức rất cao, vẫn hết sức nguy hiểm, công tác di dời dân vì thế đã được triển khai rất khẩn trương. Trong ngày 10/10, toàn thị xã Hương Trà đã di dời 1.450 hộ, với 4.350 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện chưa ghi nhận có thiệt hại về người, nhưng nhiều nhà cửa của dân vẫn bị ngập trong nước.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, đến sáng 10/10, toàn tỉnh TT-Huế đã có 24.520 ngôi nhà bị ngập (với mức ngập từ 0,3 đến gần 2 mét). Trong đó, nhiều nhất là thị xã Hương Trà với 9.455 nhà, Quảng Điền ngập 6.550 nhà, Phong Điền 4.348... Đáng chú ý, cả 3 địa phương này đều nằm dưới thủy điện Hương Điền, hạ du sông Bồ, nơi mức lũ được xác lập chạm mốc lịch sử năm 1999. Ngoài ra, TP Huế cũng là địa bàn có nhiều nhà cửa bị ngập, với 2.560 nhà; nhiều đường phố kiệt, hẻm cũng bị ngập sâu, giao thông chia cắt. 

Đến chiều tối 10/10, lũ vẫn tràn về nhanh và ở mức cao tại TP Huế, sau khi hai hồ chứa Tả Trạch và Bình Điền trên thượng nguồn sông Hương xả lũ với lưu lượng rất cao, từ 900-1.500m3/giây (hồ Tả Trạch) và  500-1.500m3/giây (hồ Bình Điền).

Trước tình hình này, UBND tỉnh TT-Huế đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho cộng đồng; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai lực lượng di dời dân, ứng cứu, cứu trợ kịp thời, không để ai bị đói, ốm đau không được cấp cứu, chuyển viện do mưa lũ; nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân.

Đà Nẵng: 4 tàu cá chìm, mất tích trên biển

Ngày 10/10, các lực lượng chức năng tại TP Đà Nẵng vẫn nỗ lực tìm kiếm tàu ĐNa 90988 - TS  do ông Đinh Văn Thành (trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm thuyền trưởng. Trước đó, ngày 9/10, tàu này chạy từ bến cá Thọ Quang qua Âu thuyền cảng cá Thọ Quang để neo đậu. Khi đến Mũi Đèn (bán đảo Sơn Trà) thì bị mất liên lạc. Thời điểm này, trên tàu có 2 thuyền viên gồm ông Thành và một lao động. Ngoài tàu cá, ĐNa 90988 - TS, tại Đà Nẵng còn có 3 tàu bị chìm trên biển trong ngày 9/10 gồm tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS. Cơ quan chức năng đã cứu được 6 thuyền viên trên 3 tàu và đưa vào bờ an toàn.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn trên diện rộng, UBND TP Đà Nẵng ngày 10/10 tiếp tục ra công điện yêu cầu các địa phương sở ngành khẩn trương tiển khai các biện pháp phòng chống với mưa lũ. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn, lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp phòng chống COVID-19. Việc sơ tán phải hoàn thành trước 15h ngày 10/10.

Miền Trung ngập trong nước lũ ảnh 1

Lực lượng chức năng nỗ lực giúp đỡ người dân vùng lũ

Quảng Nam: Di dời dân đến nơi an toàn

Ngày 10/10, tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to, nước trên các sông dâng cao trong khi đó các thủy điện vận hành điều tiết hồ chứa xả lũ. Theo đó, lúc 14h, thủy điện A Vương, ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ 818 m3/giây, nên đã vận hành điều tiết hồ chứa xả qua tràn 424 m3/giây. Thủy điện Sông Bung 4 vận hành xả lũ 1.231 m3/giây. Thủy điện Đak Mi 4 vận hành xả qua tràn 25 m3/giây; và thủy điện Sông Tranh 2 nước về lòng hồ 497 m3/giây, xả qua tràn gần 6 m3/giây.

Tại vùng “rốn lũ” Đại Lộc, nước lũ vây các khu dân cư. Các xã Đại Đồng, Đại Hưng, Đại Lãnh, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhiều nơi ngập sâu, có nơi đã ngập sâu từ 0,5-1m. Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lớn trong ngày 9/10 kết hợp nước lên nhanh đã làm cho khoảng 700 căn nhà trên địa bàn xã bị ngập. Những vùng thấp trũng ngập sâu từ 1 đến 1,5m. Trong khi đó sáng cùng ngày, một phần cống khoảng 20 mét của đập Cát Bầu ở xã Duy Phú bị vỡ gây ảnh hưởng tới hoa màu và nhiều nhà dân. Lực lượng chức năng đã sơ tán những hộ dân này đến nơi an toàn.

Trước tình hình diễn biến mưa lũ kéo dài, phức tạp, ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/10. Ông Thanh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương tiếp tục triển khai quyết liệt, tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh và tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngoài ra, bố trí lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có lũ.

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh làm việc với các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để xem xét, quyết định hạ mực nước hiện nay về bằng hoặc thấp hơn mực nước đón lũ để đảm bảo an toàn cho đợt mưa lũ sắp đến. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Đồng thời thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.