Thần tượng trên đời hiện có nhiều, ai cũng hát hay múa đẹp như nhau cả. Đó là nhờ sự tuyển lựa rèn giũa gắt gao của các công ty sản xuất thần tượng. Nên là cứ chọn đại lấy một thần tượng, đáp ứng nhu cầu hâm mộ của tuổi trẻ. Hy vọng đến một độ trưởng thành nào đó, tình cảm trong sáng đi đôi với mù quáng này sẽ tan đi.
Với một số trường hợp tình trạng hâm mộ lên đến mức bệnh lý, chết theo thần tượng thì chẳng còn thời gian mà trưởng thành. Tình hâm mộ đôi khi kèm theo thù hận. Như chuyện người cha bán nhà, bán thận và cuối cùng nhảy sông chỉ để con gặp được Lưu Đức Hoa. Cũng ở Trung Quốc, năm kia, ông bố xuống tay đâm chết con là fan của nhóm nhạc Hàn EXO, sau khi cô bé tuyên bố: “Bố mẹ cũng không tốt bằng thần tượng!”.Tất nhiên truyền thông phải đưa những trường hợp thương tâm dị biệt như thế. Còn thì hàng triệu người vẫn đang yên ổn với thần tượng của mình.
Nhân “Nhớ Trịnh” sắp diễn ra, những chuyện ít ai biết về tín đồ nhạc Trịnh được người nhà nhạc sĩ kể. Để có được một trong số 3,5 vạn vé dự đêm nhạc thường niên này, người hâm mộ ở TPHCM sẵn sàng xếp hàng từ 4 giờ sáng. Tuy nhiên BTC vẫn thường để dành vài trăm vé cho những người từ tỉnh xa và vài chục vé cho những trường hợp đặc biệt: những người chạy xe ôm, bán vé số… không thể bỏ buổi làm đi xếp hàng. Có khi họ tìm đến tận địa chỉ gia đình nhạc sĩ nắm tay nhau hát nhạc Trịnh để có vé. Có thanh niên khiếm khuyết chân tay được người nhà đèo từ Củ Chi về Sài Gòn để viếng mộ nhạc sĩ đúng ngày giỗ. Hoặc có chị bị bệnh hiểm phải cắt bỏ môi, nói còn khó nhưng đã kiên trì tập hát và trở thành ca sĩ chuyên nhạc Trịnh. Thần tượng đích thực có lẽ là người hoàn thành sứ mệnh đời mình: đem niềm an vui đến cho tha nhân.