Theo Sở NN&PTNT, năm 2019, nếu tỷ lệ hộ dân nông thôn ở Sơn La sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92%, đến nay tỷ lệ này đã tăng lên 95%, trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Quốc gia là 56%.
Sơn La hiện có trên 1.450 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 40 công trình hoạt động bền vững, gần 200 công trình tương đối bền vững. Ngoài ra, số công trình kém bền vững rất lớn, tới 812 công trình và hơn 400 công trình không hoạt động.
Thời gian qua, địa phương đã tổ chức lớp tập huấn quản lý vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung cho cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước tại địa phương, tập trung đầu tư sửa chữa công trình hư hỏng gắn với quản lý vận hành theo hướng bền vững, các công trình hư hỏng không thể phục hồi thì thanh lý và đầu tư mới.
Liên quan đến việc quản lý hệ thống thông tin hạ tầng cấp nước sinh hoạt trên toàn, gần đây Sơn La có có một số đổi mới, thay cho cách truyền thống, gây khó khăn trong công tác quản lý, lưu trữ và tích hợp với các nguồn dữ liệu chung của tỉnh.
Từ năm 2018, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sơn La đã phối hợp với một doanh nghiệp triển khai thí điểm đưa phần mềm ứng dụng ghi chỉ số bằng thiết bị di động CityWork.vn vào quản lý vận hành ở 8 công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Trạm cấp nước xã Chiềng Xôm (Thành phố Sơn La) là 1 trong 8 trạm được triển khai ứng dụng phần mềm quản lý cấp nước CityWork.vn. Ông Lò Văn Linh, cán bộ Trạm cấp nước xã, cho biết: Trước đây, cứ đến cuối tháng, công nhân quản lý vận hành phải tới từng hộ để chốt số công tơ, rồi gửi chỉ số về văn phòng để tổng hợp và in hóa đơn. Sau đó, hóa đơn mới được gửi trở lại, lúc này nhân viên quản lý vận hành công trình sẽ đi thu tiền nước, mất thời gian và công sức đi lại.
Từ khi sử dụng phần mềm CityWork.vn, cứ đến cuối tháng, nhân viên quản lý vận hành công trình tới từng hộ và dùng Smartphone có cài sẵn phần mềm đo trực tiếp chỉ số công tơ nước, sau đó kết nối với máy in nhiệt di động để in hóa đơn và thu tiền khách hàng ngay tại các gia đình.
Dẫu vậy, có thể thấy, việc áp dụng ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đã từng bước đem lại hiệu quả cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh nói riêng cũng như cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ nói chung, đặc biệt mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ trong quản lý vận hành công trình còn đòi hỏi cán bộ quản lý vận hành phải có trình độ năng lực, sự nhanh nhạy về sử dụng công nghệ và quản lý phần mềm. Ngoài ra, đơn vị muốn sử dụng phần mềm phải tính tới chi phí mua phần mềm, thiết bị đi kèm trang bị cho nhân viên…
Theo Sở NN&PTNT Sơn La, trong giai đoạn 2021-2025, cùng với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, Sơn La đặt mục tiêu đến hết 2025, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong đó 80% được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn Quốc gia.
Danh mục đầu tư 27 công trình tại địa bàn các huyện, với tổng huy động vốn tới 286 tỷ đồng từ các nguồn: Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các Chương trình dự án khác.
Về cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sẽ có trọng điểm, không dàn trải. Ưu tiên vốn cho doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện đảm bảo phát huy hiệu quả bền vững; đối với công trình nhỏ lẻ phân tán quy mô hộ gia đình thực hiện theo cơ chế hỗ trợ theo hình thức vay tín dụng ưu đãi.
Đối với quản lý sau đầu tư, Sơn La tập đi theo hướng công trình nhỏ lẻ phân tán do chủ hộ quản lý; công trình cấp nước tập trung phải giao cho đơn vị có đủ năng lực đảm bảo phát huy hiệu quả công trình, quản lý bảo toàn tài sản theo quy định; hàng năm ngân sách nhà nước bố trí đủ kinh phí để thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước.