Sôi sục săn lùng các dự án ven Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đất nền, liền kề, biệt thự là những phân khúc tiếp tục được nhà đầu tư săn lùng trong thời điểm này. Tuy nhiên, giá phân khúc này tại các quận ở Hà Nội đang ở ngưỡng quá cao nên nhiều nhà đầu tư tìm ra các dự án vùng ven.

Dự án mới vào tầm ngắm giới đầu tư

Khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường nên phân khúc đất nền, biệt thự, liền kề luôn được nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh những dự án cũ, những dự án chuẩn bị ra hàng đang nóng thị trường.

Tại dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đang được các môi giới đua nhau quảng bá dù chủ đầu tư chưa chính thức mở bán. Theo lời giới thiệu, khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh, Hà Nội) với tổng diện tích dự án 55,383 ha. Với vị trí nằm ngay gần trung tâm hành chính huyện Mê Linh, quốc lộ 23. Dự án cũng có vị trí gần các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Quang Minh, công ty Honda Việt Nam, công ty Toyota Việt Nam…Đáng lưu ý, dự án này nằm trên trục đường vành đai 4 quy hoạch nối với cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng kết nối với trung tâm TP Hà Nội.

Giá các sàn đưa ra ở mức tham khảo: 30- 35 triệu đồng/m2 chưa bao gồm tiền xây dựng. Như vậy, lô liền kề thấp nhất 100m2 tại đây rơi vào khoảng hơn 3 tỷ đồng. “Giờ quanh Hà Nội chị không tìm được khu nào giá phải chăng như ở Mê Linh, các khu trung xa như Long Biên hay Hà Đông cũng giá hơn 100 triệu đồng/m2, Gia Lâm có giá 55 triệu đồng/m2. Giá tại đây còn có dư địa tăng”, một môi giới tên Minh nói.

Còn tại một dự án của một tập đoàn lớn bất động sản cũng đang trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư khi các sàn rục rịch thông tin mở bán. Tuy nhiên, giá dự kiến các sàn đưa ra rơi vào khoảng 100 triệu đồng/m2 liền kề. Đây mức giá cao nhưng vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi kỳ vọng vào quy mô, hạ tầng của tập đoàn này xây dựng. Hay như một dự án lớn tại Đan Phượng rục rịch tháng 6 ra hàng khiến nhà đầu tư nhấp nhổm không yên. Tuy nhiên, mức giá tại đây cũng được dự đoán không hề thấp.

Trong khi đó, các dự án đang bán vẫn trong tầm ngắm của nhà đầu tư dù giá đã cao như: Hà Đô Charm Villas, An Lạc Green Symphony và Hinode Royal Park đến từ khu vực Hoài Đức. Tiếp đến là các dự án tại Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh...

Giá có thể tăng tiếp trong thời gian tới?

Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đất nền tại các tỉnh cận vùng ven Hà Nội tăng khá mạnh. Theo đó, các địa phương như Hà Nam tăng 36%, Hưng Yên tăng 21%, Bắc Giang tăng 22% và Hòa Bình tăng 18% so với tháng 11/2021.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, đặc biệt tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, TP. HCM.

Ông Đính cho rằng trong 2 quý đầu năm 2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu. Sở dĩ đất nền vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh.

“Ở thời điểm hiện tại, với các chính sách tài khóa hợp lý, bên cạnh đó việc kiểm soát lạm phát đã có kinh nghiệm, GDP tiếp tục tăng trưởng sẽ giúp thị trường bất động sản tránh khỏi câu chuyện giảm giá như giai đoạn 2011 - 2012”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đính, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt, tuy nhiên nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro. Trao đổi với báo chí bên lề cuộc Hội thảo “Thị trường Bất Động Sản Việt Nam 2022 - Góc nhìn mới” của Savills Việt Nam, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ, bất động sản sẽ tiếp tục xu thế tăng giá và khó có trường hợp giảm trong thời gian tới.

Theo ông Khương, trên thế giới, khi có các vấn đề như chiến tranh, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, đối với các nhà đầu tư tổ chức thì bất động sản chính là kênh trú ẩn tài sản.

Tại Việt Nam, câu chuyện giá bất động sản, đến từ các nguyên nhân cụ thể như: Ảnh hưởng của dịch bệnh vấn đề pháp lý, nguồn cung trên thị trường không có trong khi nhu cầu cao, cơ sở hạ tầng phát triển và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dựa trên GDP của 2021 là đáng mừng vì không tăng trưởng âm. Ở bình diện chung, tăng trưởng của nền kinh tế như vậy sẽ có dấu hiệu lạm phát, dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản.

Trong lịch sử, trường hợp giá bất động sản giảm đồng loạt trên thị trường chỉ xảy ra trong giai đoạn 2011 - 2012. Thời điểm này, khủng hoảng tài chính, tê liệt nền tài chính toàn cầu đã khiến Việt Nam bị ảnh hưởng. Thị trường suy thoái mặc định lãi suất 12 - 24%, room tăng trưởng tín dụng cho bất động sản lên tới 40%, lạm phát, nghẽn cầu, bất động sản không thanh khoản được và biến thành nợ xấu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, đó là minh họa cho việc bất động sản lần đầu tiên giảm và đại diện cho toàn thị trường.

MỚI - NÓNG