'Sợi dây' kinh nghiệm rất dài

Hoang phế công trình xử lý nước thải cụm công nghiệp Tân An
Hoang phế công trình xử lý nước thải cụm công nghiệp Tân An
TP - Sau phản ánh của Tiền Phong về việc nhiều khu chợ được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ bỏ hoang, không hiệu quả; ông Lê Ngọc Vinh-Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho hay, rất cảm ơn thông tin của báo. Sau khi có báo cáo thực trạng từng công trình, Ban Dân tộc sẽ tìm hướng khắc phục dựa trên đề xuất xử lý của địa phương. 

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, sẽ rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo. “Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia sắp tới, ban sẽ kiến nghị tăng nguồn lực, kinh phí xây dựng những công trình quy mô, tránh đầu tư nhỏ lẻ không phát huy hiệu quả; Yêu cầu địa phương phải có trách nhiệm với các đề xuất; Ban có quyền đi giám sát, thẩm định tính khả thi của dự án đề xuất trước khi đồng ý chủ trương đầu tư”, ông Vinh nói.

Với hàng loạt công trình cấp nước tập trung bị xuống cấp, bỏ hoang, phải đề xuất thanh lý, ông Hoàng Trung Thơ-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cũng khẳng định, thời gian tới sẽ siết chặt việc thẩm định các dự án cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc thẩm quyền phê duyệt. Sở chỉ đạo chủ đầu tư khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu dùng nước thực tế của người dân, tránh tình trạng công trình làm xong rồi bỏ không, lãng phí.

Trao đổi với PV Tiền Phong sau bài viết nhiều công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bỏ hoang, không hiệu quả, lãng phí, ông Nguyễn Đình Trung-Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói cảm ơn báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề còn tồn tại của địa phương. Theo ông Trung, không riêng công trình cấp nước sạch tập trung ở Ea Pô, huyện Cư Jut (công trình đầu tư 10 tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động được 6 tháng rồi bỏ hoang suốt 3 năm-PV) bị bỏ không mà còn nhiều công trình nữa.

Do đó, ông đã yêu cầu các huyện, sở ngành rà soát lại sau đó sẽ có hướng xử lý cụ thể từng dự án. Ông cũng yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh việc đề xuất xin chủ trương làm dự án. Theo đó, ông yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố trước khi trình trung ương xin kinh phí làm dự án phải khảo sát kỹ, dựa trên nhu cầu thực tế của dân; đảm bảo khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã phục hồi điều tra sai phạm tại Dự án khu xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp (CCN) Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Theo đó, chủ đầu tư và các đơn vị thi công tại dự án này đã “hợp thức hóa hồ sơ” thanh toán khống  hơn 9,5 tỷ đồng.

Trước đó, Công an TP Buôn Ma Thuột đã khởi tố vụ án án hình sự (năm 2016), nhưng một năm sau, đã đình chỉ điều tra vụ án vì xác định “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Dự án này có tổng số vốn hơn 37 tỷ đồng. Riêng gói thầu xây lắp và lắp đặt thiết bị trị giá 31 tỷ đồng. Mới đây, trong một công văn, UBND TP Buôn Ma Thuột xin chủ trương điều chỉnh dự án và tiếp tục thi công công trình này để đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay người đứng đầu (ký các quyết định liên quan) vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.

MỚI - NÓNG