Khoảng hơn 6h, xe phun thuốc diệt muỗi của Trung tâm chạy qua các ngả đường Hoàng Diệu, chợ Hoàng Diệu, trước cổng Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên, đường Nguyễn Tri Phương, một số hẻm khu Hoàng Diệu… nơi có mật độ người dân đi lại rất đông trong giờ cao điểm.
Rất nhiều người dân đã bức xúc với cách phun thuốc này vì thuốc từ trên xe được phun thẳng vào hàng quán, nơi đông đúc người dân đang ăn sáng, phun thẳng vào những người đang đưa con đi học trước cổng trường và phun cả vào khu hàng quán bán đủ các loại thực phẩm tại chợ Hoàng Diệu. Nhiều người bịt mũi không kịp đã ho sặc sụa vì bị thuốc xộc vào họng.
Chị N.T.B.P, chủ một quán phở ở đường Hoàng Diệu cho biết, cách đây 1 tuần xe này cũng chạy phun thuốc ở đây mà chẳng thấy ai thông báo gì. Khu vực này san sát hàng quán ăn sáng, thực khách rất bức xúc vì thuốc rớt thẳng vào đồ ăn. “May lần này tôi phát hiện ra hai cái xe máy chạy dẫn đường ở đằng trước và tiếng máy phun kêu to mà sập tủ đậy đồ ăn lại” – Chị P nói.
Được hỏi về việc thông báo từ địa phương về lịch phun thuốc diệt muỗi, tất cả những người dân được hỏi ở khu vực này đều nói không biết, không nghe thông báo gì.
Sáng 20.10, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến ngày 11.10, toàn tỉnh Khánh hòa có 3.245 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó Nha Trang đứng đầu cả tỉnh với 935 ca 6 xã phường có dịch sốt xuất huyết.
Cũng theo ông Hải, hiện nay muỗi lây truyền dịch sốt xuất huyết đang kháng thuốc đến nỗi phải tăng tỷ lệ pha thuốc phun diệt muỗi lên gần gấp đôi. Tỷ lệ khuyến cáo của WHO cũng như quy chuẩn của nhà sản xuất là 1 lít thuốc phải pha với 10 lít nước khi đi phun. Nhưng do muỗi kháng thuốc nên hiện Viện Pasteur đã chỉ định ở Khánh hòa pha tỷ lệ 1 lít thuốc chỉ pha 6 lít nước, có nới pha tỷ lệ 1:4. “Với đà này, nếu người dân không ý thức tự diệt bọ gậy thì tiến tới có thể sẽ phải pha tỷ lệ 1:2, rồi không loại trừ tiến tới phải dùng trực tiếp thuốc không pha để phun mới diệt được muỗi” – Ông Hải nói.
"Giờ phun thuốc được quy định tùy thuộc vào yếu tố vi khí hậu, thường thì vào khoảng 6-7h sáng và 6-7h chiều mà phun xe là phải phun ở nơi có mật độ đông. Nhắm mắt cũng biết là ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe con người nhưng ảnh hưởng như thế nào, mức độ chấp nhận được không. Hiện chúng tôi đang sử dụng nhóm thuốc thuộc họ hoa cúc ít độc cho người nhưng không phải không độc mà tùy theo mức độ” – Ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, trước khi phun, các Trung tâm y tế phải thông báo với chính quyền địa phương yêu cầu chính quyền thông báo người dân đem mọi lồng nuôi ong ra khỏi khu vực phun, không phơi thức ăn dưới trời trong thời gian phun thuốc, không buôn bán đồ ăn, đồ uống trong vùng phun.
“Những người già yếu, bệnh hen, bệnh tim phải di dời khỏi vùng phun. Quy định của Bộ y tế là phải thông báo trước một ngày trước khi tiến hành phun nhưng đó là việc của địa phương chứ ngành y tế không làm được”- Ông Hải nói.