Tâm lý tội phạm trội hơn hành động
Phim xoay quanh ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) Tổng giám đốc công ty Phan Thị, là ông trùm ngầm của giới giang hồ vùng biên, chuyên đứng ra phán xử những ân oán về tiền bạc và địa bàn làm ăn.
“Kịch bản của Israel thoái mái hơn cho nên khi Việt hoá chúng tôi gia giảm cảnh sex rất nhiều”, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC nói, Chẳng hạn nhân vật Vân con dâu Phan Quân gần như phải viết lại toàn bộ. Trong kịch bản gốc đời sống tình cảm của vợ chồng Vân-Phan Hải và cô bồ rất phức tạp, rất nhiều cảnh nóng nhưng khi làm phim phải cân nhắc và khai thác phù hợp văn hoá người Việt.
Tập 1 vừa phát sóng chứng tỏ bước tiến của phim hình sự, hành động bởi nhịp phim nhanh, nhiều yếu tố hành động đan xen với tâm lý tội phạm. Ngay tập ra mắt có cảnh ông trùm Quân phán xử ân oán giang hồ và thẳng tay cho đàn em cắt ngón tay. Hình ảnh trực diện và hơi giật gân so với các phim hình sự hành động của Việt Nam từ trước tới nay.
Yếu tố hành động và sex trong phim được tiết chế nhiều so với kịch bản gốc
“Thực ra trước khi bắt tay thực hiện chúng tôi nghiên cứu khả năng thực hiện bộ phim này. Tôi nghĩ khán giả sẽ không thấy phim hoành tráng ở yếu tố hành động mà thấy hấp dẫn ở khía cạnh tâm lý tội phạm. Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải cảnh sát như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia. Thực tế mô hình ông trùm này chúng ta từng có Năm Cam. Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
NSND Hoàng Dũng và Trung Anh là hai nhân vật rất chắc chắn, làm chỗ dựa về diễn xuất cho dàn diễn viên
Các nhà làm phim đánh giá cao NSND Hoàng Dũng, người thủ vai Phan Quân. Trên cơ sở câu chuyện tội phạm là bài học về gia đình, đối nhân xử thế-đó là những sáng tạo Hoàng Dũng chuyển tải qua nhân vật.
Cái khó của hành động truyền hình
Đây là phim cần tới ba đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, Mai Hiền và Khải Anh. Dàn diễn viên hùng hậu và chuyên nghiệp giúp các nhà làm phim rất nhiều. Tuy nhiên không thể không nói đến những trở ngại liên quan tới kịch bản. “Bối cảnh hành động dính đến bạo lực rất nhiều. Phim truyền hình cho nên chúng tôi tiết chế vừa phải, làm sao vẫn giữ liều lượng nhưng phải đạt hiệu quả nghệ thuật”, đạo diễn Mai Hiền nói. Anh cũng là người đảm vai trò giám đốc hình ảnh, hành động trong phim.
Không chỉ là phim tội phạm, câu chuyện gia đình và đối nhân xử thế được khai thác kỹ trong phim
“Người phán xử” là phim được đầu tư về hình ảnh và kỹ thuật đạt chuẩn thu tiếng đồng bộ vươn tới tầm chất lượng của khu vực. “Phim hình sự hành động có nhiều tuyến nhân vật đan xen cho nên việc lựa chọn diễn viên phải chuẩn cả về giọng nói cũng là điều khó khăn”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Đạo diễn Khải Anh cũng thừa nhận khi đọc xong kịch bản thấy cuốn hút và “muốn xắn tay vào làm ngay”. Đây là thể loại mới đối với Khải Anh, đạo diễn của dòng phim trẻ xoay quanh tình yêu và gia đình.