Những năm đầu Chiến tranh Lạnh, NATO lo ngại rằng hàng nghìn xe tăng Nga có thể tràn qua Fulda Gap, một tuyến đường trũng nằm giữa Frankfurt và biên giới Đông Đức, tấn công và áp đảo lực lượng quân sự của châu Âu.
Ưu thế xe thiết giáp của khối hiệp ước Warsaw lớn đến mức một số chuyên gia phân tích tình báo dự đoán rằng một tiểu đoàn NATO với 300-400 quân cùng 40-50 xe chiến đấu chỉ có thể trụ vững trước 120 xe tăng Liên Xô tối đa 30 phút, chưa kể lực lượng chi viện hùng hậu phía sau của Hồng quân, theo WarIsBoring.
Trước viễn cảnh lượng lớn xe tăng Liên Xô có thể tràn sang Tây Đức, một số chiến lược gia NATO cho rằng họ chỉ còn cách rút lui về dãy núi Pyrenees giữa Pháp và Tây Ban Nha, và phản kích bằng vũ khí hạt nhân.
Để trấn an các đồng minh NATO, từ thập niên 1950, Mỹ đã triển khai nhiều vũ khí hạt nhân đến Tây Âu, từ bom trọng lực hạt nhân đến các tên lửa đạn đạo tầm trung đặt tại Anh và Đức.
Tuy nhiên, các chiến lược gia và chính trị gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều lo sợ rằng các vũ khí hạt nhân cỡ lớn này có thể xóa sổ những vùng đất rộng lớn, phá huỷ các thành phố và căn cứ quân sự của cả hai bên, gây ra những thương vong rất lớn do nhiễm xạ không thể kiểm soát.
Bởi vậy, nhiều tướng lĩnh NATO ủng hộ việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, vì họ tin rằng các vũ khí nguyên tử chiến thuật có thể tăng sức răn đe, buộc Liên Xô phải cân nhắc khi phát động một cuộc tấn công nếu biết NATO có thể tiêu diệt các đơn vị xe tăng của họ bằng vũ khí hủy diệt loại nhỏ.
Từ năm 1966, quân đội Mỹ triển khai ở châu Âu loại vũ khí hạt nhân nhỏ nhất thế giới có tên gọi Davy Crockett. Đây là khẩu súng không giật bắn đạn nguyên tử nặng gần 35 kg và là vũ khí hạt nhân nhỏ nhất từng được Mỹ triển khai.
Trong thời kỳ trước khi tên lửa chống tăng hiện đại ra đời, súng Davy Crockett là một vũ khí giúp duy trì thế cân bằng trên chiến trường, được thiết kế để “nướng” các kíp tăng đối phương bằng chùm tia gamma và ngăn chặn một cuộc tấn công của Liên Xô.
Những nhà thiết kế khẩu Davy Crockett đã sử dụng một thiết bị phân hạch sẵn có làm cơ sở chế tạo đầu đạn W-54 cho súng. Đầu đạn W-54 nhỏ hơn so với các vũ khí hạt nhân khác ở thời điểm đó nhưng không có nghĩa là nó không uy lực, theo Carey Sublette, một sử gia vũ khí hạt nhân và người sáng lập trang TheNuclearWeaponArchive.
Đầu đạn nguyên tử W-54 sử dụng cho súng Davy Crockett. Ảnh: Wikipedia
“Về bản chất, tất cả các vũ khí hạt nhân nhỏ có bán kính sát thương do phóng xạ trực tiếp từ vụ nổ lớn hơn rất nhiều bán kính sát thương do sức ép hay bức xạ nhiệt”, Sublette nói.
“Về cơ bản, lớp giáp xe tăng có thể ngăn được sức ép và bức xạ nhiệt từ vụ nổ. Nhưng nó sẽ không ngăn được các chùm tia gamma chết người, khiến kíp lái bên trong xe tăng thiệt mạng”.
Súng không giật Davy Crockett có cỡ nòng 120 mm hoặc 155 mm, với kíp xạ thủ ba người và sử dụng một chiếc xe Jeep hoặc xe thiết giáp chở quân để di chuyển. Súng Davy Crockett cỡ nòng 155 mm có tầm bắn 4 km.
Sức công phá của đầu đạn W-54 khá nhỏ so với các vũ khí hạt nhân chiến lược, chỉ tương đương 20 tấn thuốc nổ TNT, đủ để san phẳng một tòa nhà lớn. Nhưng phóng xạ nó sản sinh có thể khiến con người chết ngay lập tức trong bán kính 150 m và khiến những người trong phạm vi 1,6 km bị nôn mửa hoặc tử vong.
Video quân đội Mỹ bắn thử đạn W-54 bằng súng Davy Crockett
Ngày 17/7/1962, Mỹ sử dụng súng Davy Crockett 155 mm bắn một viên đạn W-54 vào một mục tiêu cách xa 2,7 km. Viên đạn phát nổ cách mục tiêu 12 m trên mặt đất, tạo ra sức công phá tương đương 18 tấn thuốc nổ TNT, trước sự chứng kiến của một loạt quan chức và cố vấn quân sự đáng tin cậy nhất của tổng thống John F.Kennedy.
Các nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân đã chế tạo hơn 2100 đầu đạn W-54 cho các khẩu súng Davy Crockett. Bắt đầu từ năm 1962, lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu đã được trang bị hàng trăm hệ thống này, đặc biệt là sư đoàn thiết giáp số ba trấn giữ tại khu vực Fulda Gap. Thậm chí người ta còn thảo luận nghiêm túc về việc trang bị hệ thống Davy Crockett cho các đơn vị Tây Đức.
Tuy nhiên, vũ khí này cũng có nhiều điểm hạn chế. Đạn nguyên tử của nó không hề rẻ và có giá tương đương với đạn của vũ khí hạt nhân chiến lược bởi thiết bị phân hạch đắt đỏ bên trong.
Một kíp xạ thủ sử dụng súng Davy Crockett. Ảnh: Wikipedia
Nó cũng gây ra mối nguy hiểm thực sự với kíp xạ thủ bởi bức xạ chết người phát ra từ vụ nổ vượt quá tầm bắn của súng, đồng nghĩa với việc những người lính khai hỏa nó cũng có thể bị chùm tia gamma giết chết.
Tuy nhiên, hiểm họa khó lường của nó lại nằm ở thiết kế nhỏ gọn của nó. Bởi đạn W-54 có thể mang vác được, nguy cơ loại vũ khí hạt nhân này bị đánh cắp và vận chuyển trái phép là rất cao.
Sự ra đời và phát triển của các tên lửa chống tăng chính xác và đáng tin cậy có thể mang vác hoặc lắp trên xe thiết giáp khiến súng Davy Crockett dần bị loại bỏ ở mặt trận châu Âu. Tuy nhiên, súng Davy Crockett vẫn nằm trong kho vũ khí hạt nhân Mỹ cho đến khi bị khai tử vào năm 1971.