Nhận định trên đã được chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Gunes với hãng thông tấn Nga Sputnik. Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik, ông H. Gunes nhấn mạnh, việc Iran sở hữu tổ hợp tên lửa S-300 đã giúp giảm nhẹ mối nguy cơ bị tập kích đường không từ phía Israel. Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nhấn mạnh, S-300 đã giúp gia tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Iran.
“Tình hình khu vực đã có biến đổi mạnh mẽ sau khi xuất hiện thông tin Nga bắt đầu chuyển giao những thành phần đầu tiên của tổ hợp S-300 cho Iran, đặc biệt là từ Israel và Saudi Arabia. Tổ hợp S-300 về thực chất là vũ khí phòng thủ. Nó không tạo ra mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Nó sẽ giúp bảo đảm an toàn không phận của một quốc gia trước khả năng bị tấn công đường không”, ông H. Gunes nói.
Theo đánh giá giá của ông H. Gunes, việc Iran sở hữu S-300 như “một lời cảnh báo” gửi tới Israel và Saudi Arabia, các quốc gia đã nhiều lần đe dọa tiến hành tập kích bằng tên lửa nhằm vào Iran.
“Israel và Saudi Arabia đã không dưới một lần cảnh báo về khả năng sử dụng tên lửa tầm trung tấn công vào các cơ sở quan trọng của Iran. Mối nguy cơ này đã được giảm nhẹ khi Iran sở hữu S-300”, chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.
Ông H. Gunes cũng chỉ ra những dấu hiệu chống Iran trong quan hệ Mỹ và các quốc gia đồng minh tại Cận Đông, trong đó có Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar, trong 18 tháng qua.
Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ dự báo, các quốc gia trên đang chờ kết quả của cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này để tăng cường các hoạt động đối đầu với Iran. Trong vài tháng tới, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể bỏ qua bất đồng để xích lại gần nhau liên quan tới vấn đề Iran.
Israel hiện đặc biệt lo ngại về khả năng Iran đang âm thầm phát triển công nghệ hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử. Việc quốc gia Cận Đông này sở hữu tổ hợp S-300 để bảo vệ các căn cứ hạt nhân hiện có sẽ là mối lưu tâm thường trực của Tel aviv.
Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Israel có thể trở thành đồng minh với sự hậu thuẫn của Mỹ.
“Với xu hướng xích lại gần nhau của các nước có quan điểm chống Iran, làn sóng chống Iran mới có thể sẽ bùng phát sau cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 này”, ông H. Gunes nói.
Nga và Iran ký hợp đồng cung cấp tổ hợp S-300 từ năm 2007. Tuy nhiên, vì các lệnh trừng phạt và nghị quyết của Liên hợp quốc, Nga đã tuyên bố đóng băng hợp đồng cung cấp tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại này cho Iran vào năm 2010. Tới tận tháng 4-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới ký sắc lệnh nối lại hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Việc bàn giao các thành phần đầu tiên của tổ hợp S-300 cho Iran được Bộ Ngoại giao nước này công bố hồi đầu tháng 4-2016.
Dự kiến, tới cuối năm 2016, Iran sẽ được cung cấp đầy đủ các thành phần của tổ hợp S-300 theo hợp đồng đã ký. Theo nhiều nguồn tin, Iran được cung cấp phiên bản nâng cấp mới nhất của tổ hợp S-300 là S-300 PMU-2 Favorit. Quốc gia Cận Đông này cũng ngỏ ý quan tâm tới S-300 phiên bản lục quân S-300VM Antey-2500.
S-300 PMU-2 Favorit là phiên bản nâng cấp mới nhất của gia đình tổ hợp S-300. Phiên bản S-300 này nổi bật ở việc được nâng cấp sâu hệ thống ra-đa và đạn tên lửa mới. S-300PMU2 còn có thể theo dõi cùng một lúc 72 mục tiêu trên không và triển khai tên lửa bắn hạ 36 mục tiêu trong số đó. Tầm bao quát của tổ hợp đạt tới 250km. Ngoài các dạng mục tiêu bay, S-300 PMU-2 cũng được giới thiệu có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương.