Ông A. Perendzhiev đưa ra nhận định trên ngay sau khi đại diện Bộ Ngoại giao Iran Hussein Jaber Ansari ra tuyên bố nước này đã nhận các thành phần đầu của tổ hợp tên lửa S-300 phía Nga chuyển giao.
“Từ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, chúng ta có thể thấy rõ ràng Nga đang bắt đầu thực hiện cam kết của mình đối với Iran. Điều đó cũng chứng minh Nga đã bỏ qua quan điểm của Mỹ về việc Tehran không cần thiết phải sở hữu vũ khí phòng không hiện đại như S-300. Điều đó không phải hẳn đã tốt, nhưng cũng chưa chắc là xấu”, chuyên gia A. Perendzhiev nhận định.
Theo lời ông A. Perendzhiev, Iran đang rất cần S-300. Tổ hợp vũ khí hiện đại này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ thống phòng không của Tehran đối phó với mối nguy cơ bị tập kích đường không. “Ý của tôi muốn đề cập tới khả năng Mỹ, Israel và phương Tây có thể thực hiện hành động quân sự với Iran”, ông A. Perendzhiev nói.
Việc Iran sở hữu S-300 chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ phương Tây và đặc biệt là từ phía Israel. “Theo quan điểm của họ, đặc biệt là Israel, việc Iran sở hữu S-300 không phải là tín hiệu đáng mừng”, ông A. Perendzhiev cho biết.
“Về phần nước Nga, chúng ta đang cần Iran với vai trò là đồng minh để giải quyết các vấn đề tại Trung Đông. Iran là đối tác quan trọng, thậm chí là không thể thiếu, để giải quyết vấn đề tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Iran cũng đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong giải quyết khủng hoảng ở Nagorno-Karabak giữa Armenia và Azerbaijan, khi quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đóng băng. Quốc gia Hồi giáo này cũng đóng vai trò quan trọng hợp tác chống lại làn sóng cực đoan từ Nam Á tràn vào khu vực Kavkaz… Iran thực sự là đối tác tin cậy của Nga trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng khác”, ông A. Perendzhiev phân tích.
Chuyên gia Nga bày tỏ tin tưởng, với S-300, Iran đã có đủ sức mạnh răn đe đối với các quốc gia thù địch: “S-300 là thứ vũ khí có thể thay đối cục diện chiến trường. Iran có quyền sở hữu nó với mục đích phòng thủ”.
Nga và Iran đã ký hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa S-300 trị giá 700 triệu USD vào năm 2007. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị “đóng băng” năm 2010 do Nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran. Theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin ký tháng 4-2015, hợp đồng giữa Nga và Iran chỉ được nối lại. Mặc dù thông tin về phiên bản S-300 cho Iran không được công bố, nhưng Trợ lý tổng thống Nga về các vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật Vladimir Kozhin khẳng định, Tehran sẽ được cung cấp phiên bản S-300 được hiện đại hóa sâu (có thể là S-300 PMU-2 Favorit).
Dự kiến, hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2016.