“Chúng tôi cũng yêu cầu các em thường xuyên cập nhật thông tin. Phòng Đào tạo, phòng Quản lý sinh viên đều phải nắm được thông tin cho chúng tôi biết ngày hôm đó có bao nhiêu sinh viên tham gia lấy mẫu, bao nhiêu bạn kiểm tra dịch tễ, bao nhiêu bạn nhập dữ liệu. Như vậy, nếu các em có khó khăn, chúng tôi kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ”, GS. Lê Thị Hương chia sẻ.
Là người cao nhất chịu trách nhiệm về an toàn cho sinh viên khi tham gia tình nguyện phòng chống dịch, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, trường chuẩn bị tất cả các tình huống có thể xảy ra. Thực tế có sinh viên, học viên của trường đã bị cách ly. Một số em cách ly ở địa phương, không liên quan đến trường.
Nhưng một số sinh viên trực tiếp tham gia hoạt động tình nguyện có tiếp xúc gần với nguồn lây được cách ly theo đúng quy định của cơ quan y tế. Một số em khác khi làm nhiệm vụ tiếp xúc xa được cách ly tại nhà, hoặc KTX của trường. Trường ĐH Y Hà Nội đã dành một số phòng để cách ly tuân thủ theo đúng quy định. Sinh viên cách ly được phục vụ tại chỗ. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều do nhà trường chi trả.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, lực lượng sinh viên hỗ trợ chắc chắn sẽ tăng lên vì vậy, rất có thể con số sinh viên bị cách ly không chỉ dừng lại ở 53 như vừa qua. Hiện trường đã giải phóng 1 tầng của KTX và mong muốn Hà Nội bố trí một số phòng tại khu nhà ở sinh viên, quận Hoàng Mai để dự phòng. Đồng thời, trường lên phương án khác là mượn hoặc thuê KTX của trường lân cận như ĐH Thủy lợi, Học viện Ngân hàng. Khi số lượng sinh viên cần cách ly tăng lên, trường sẽ chuyển sinh viên bình thường sang ở KTX trường bạn còn KTX của trường làm khu cách ly.
GS.TS. Văn cho biết: “Chúng tôi cho sinh viên đi học không nghỉ là dựa trên bằng chứng về khoa học mà còn hiểu cấu trúc, dịch tễ học của chủng virus này cũng như những biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Từ ý kiến của các chuyên gia chúng tôi quyết định sinh viên của trường đi học bình thường” - GS. Văn chia sẻ.
Việc cho sinh viên tình nguyện tham gia phòng chống dịch có những lúc người đứng đầu nhà trường phải đau đầu cân nhắc. Tuy nhiên, GS. Văn cho rằng, nếu lo sợ thì trường đã không cử sinh viên tham gia.
“Nếu giả sử chiến tranh xảy ra, chúng ta sẽ nghĩ sao nếu trường công an, quân đội nghỉ? Họ phải là lực lượng dự bị đầu tiên vì hơn ai hết họ được trang bị kỹ năng. Ngành y cũng thế. Thầy trò chúng tôi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Chúng tôi còn có lời thề nghề nghiệp. Sau này hành nghề, nguy cơ nhiễm bệnh là thường xuyên. Chính vì vậy, chúng tôi đã suy nghĩ đúng và hành động đúng. Nhưng trên hết vẫn là sự an toàn của sinh viên” , GS. Văn nói.
Còn với sinh viên, trước khi “ra trận”, họ đều đã được tập huấn đầy đủ, kỹ càng. Trần Đỗ Bảo Nghi, ngành y tế công cộng, trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, ngay sau khi nhận được thông báo của trường qua điện thoại đã tình nguyện tham gia. Thu xếp hành trang lên đường xong, cô không quên nhắn tin cho bố mẹ: “Bố mẹ ở nhà yên tâm nhé. Con xin phép lên đường chống dịch!”.
Ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ký văn bản gửi các đại học, trường đại học, học viện, các trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ địa phương phòng chống dịch Covid-19. Để hỗ trợ cho các địa phương có khu vực cách ly đảm bảo an toàn nhất, Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ nếu chưa tổ chức cho sinh viên nhập học tập trung tại trường thì có thể phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương để trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng ký túc xá của nhà trường làm cơ sở cách ly tập trung của địa phương.
Đối với các cơ sở đào tạo đã tổ chức cho sinh viên nhập học tập trung, Bộ lưu ý thường xuyên thực hiện đúng hướng dẫn phòng chống dịch, xây dựng các kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn để tuyệt đối đảm bảo an toàn.