Học quốc phòng tranh thủ học giáo dục thể chất
Vừa qua, trên phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện thông tin một nữ sinh năm cuối trường ĐH Y dược Hải Phòng mất tích. Sau đó nữ sinh này đã được gia đình tìm thấy tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Lý do nữ sinh bỏ đi là do áp lực của việc thi hết môn Thể dục. Môn này nữ sinh học không tốt nên bị ám ảnh, sinh ra chán nản, bỏ cả thi tốt nghiệp kết thúc khóa học.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện môn giáo dục thể chất của ĐH Y dược Hải Phòng gồm chạy cự ly trung bình (1.500 m - hay còn gọi là chạy bền) và học bóng rổ, bóng chuyền.
Không chỉ riêng ĐH Y dược Hải Phòng, sinh viên nhiều trường ĐH khác cũng đang học những môn thể thao này. Tại trường ĐH Xây dựng, sinh viên học 5 học phần giáo dục thể chất với số tiết là 150 tiết, trong đó 90 tiết học giáo dục thể chất cơ bản và 60 tiết học thể thao tự chọn và chia làm 5 tín chỉ: Sinh viên học các môn lý luận giáo dục thể chất, các môn điền kinh, thể dục, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn.
Sinh viên N.V.D, trường ĐH Công đoàn cho biết, môn giáo dục thể chất của trường gồm chạy bền, bóng chuyền, bóng rổ, thể dục nhịp điệu... “Nhưng có lẽ, khủng khiếp nhất với em chính là chạy bền. Một số bạn trong lớp em sức khỏe yếu là không qua được môn học này”- D. cho hay. Theo D., cơ sở vật chất của trường để phục vụ cho giảng dạy, tập luyện thể thao cũng chưa có đầy đủ. Có những môn học thiết thực cho sinh viên thì lại không được học như bơi. “Em thấy một số trường ĐH khác đã dạy sinh viên bơi, nhưng trường em, sinh viên vẫn chưa được học”- D. chia sẻ.
Nhưng theo một số sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội, sinh viên ĐH Công đoàn hay ở các trường ĐH khác vẫn còn may mắn vì dẫu sao cũng có chỗ để học thể dục. Một sinh viên năm thứ hai của Viện ĐH Mở cho biết, do không có sân tập nên đợt học quân sự vừa qua ở Xuân Mai, Hà Nội, sinh viên được học luôn đợt 1 giáo dục thể chất. “Trong thời gian một tháng học quân sự, bình thường thứ 7, chủ nhật sẽ được nghỉ thì hai ngày đó, bọn em học giáo dục thể chất. Tổng thời gian bọn em được học là 8 buổi giáo dục thể chất với hai môn là chạy cự ly ngắn (100m) và thể dục nhịp điệu” - sinh viên này cho hay. Cũng theo sinh viên này, đợt 2 sẽ học tại trung tâm thể dục của quận nào đó trong thành phố Hà Nội.
Tại ĐH Ngoại thương, sinh viên Trần Xuân Dự cho biết môn thể dục không đến mức khủng khiếp. Dự học Aerobic, Dancesport, bơi, cầu lông và dễ dàng vượt qua các môn học này. Nhưng ở trong lớp của Dự cũng có kha khá bạn trượt.
Ngất là chuyện bình thường
Một giảng viên dạy thể dục của trường ĐH Công đoàn chia sẻ, hiện nay, môn chạy bền sinh viên được học 30 tiết. Mỗi tuần học một buổi với thời lượng hai tiết. Như vậy một tháng, sinh viên được học 8 tiết chạy bền. “Trời mùa đông còn đỡ, trời mùa hè, nếu phải học ca hai từ 9h30 đến 11h30 thì đến chiều, sinh viên không còn sức để học văn hóa” - giảng viên chia sẻ. Cũng theo vị này, bất cập trong đào tạo giáo dục thể chất hiện nay đó là vừa yêu cầu người học phải đạt kỹ thuật, vừa yêu cầu phải đạt thành tích. Chạy bền là một môn thể thao cần phải rèn luyện thường xuyên thì mới có thể đạt được hai yêu cầu. Trong khi đó, mỗi tuần, sinh viên chỉ được học 2 tiết, nên không thể có đủ sức khỏe để thực hiện. Thế nên chuyện sinh viên chạy đến vòng thứ hai (quanh sân bóng mini của trường) bị ngất là chuyện vẫn xảy ra. “Chương trình dạy giáo dục thể chất đang yêu cầu sinh viên phải giống như các trường thể dục thể thao chuyên nghiệp. Trong khi các trường chuyên nghiệp đầu vào được “cân đong đo đếm” xem phù hợp với môn học hay không thì sinh viên trường thường sức khỏe của các em khác nhau. Có em thể lực yếu, có em thể lực tốt. Nhưng khi học, lại yêu cầu các em phải thực hiện đúng kỹ thuật, phải đạt thành tích bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút mới đạt mức điểm bằng này, bằng kia. Không đạt là trượt” - giảng viên ĐH Công đoàn phân tích. Theo vị giảng viên này, chương trình đào tạo môn giáo dục thể chất cần phải linh hoạt hơn. Có thể chỉ cần yêu cầu các em thực hiện đúng kỹ thuật động tác là đạt yêu cầu. Được biết, trường ĐH Công đoàn cũng đã có văn bản liên quan đến một số điều chỉnh đối với bộ môn giáo dục thể chất. Tuy nhiên, trên thực tế, những điều chỉnh này chưa được áp dụng.
Trong khi đó, theo chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thuận lợi của trường đó là có cơ sở vật chất đầy đủ để giúp sinh viên học giáo dục thể chất tốt hơn. Trường có một sân vận động, một bể bơi, một nhà thi đấu đa năng. Từ năm học 2017-2018, trường đưa bộ môn bơi trở thành môn học bắt buộc. “Với K62 mới vào, trường yêu cầu các em đăng ký. Sinh viên nào biết bơi rồi, dù bơi bằng bất kỳ kiểu nào, nếu kiểm tra đạt yêu cầu thì sẽ miễn không phải học. Còn sinh viên nào chưa biết bơi thì bắt buộc phải học” - PGS. Trần Văn Tớp nói. Cũng từ năm học này ngoài hai môn bắt buộc là môn bơi, lý luận giáo dục thể chất, các môn học khác sinh viên được tự chọn theo sở thích, năng lực của mình. Sinh viên nào không thích môn nào, không tự chọn thì nhà trường sẽ chọn.
Tuy nhiên, PGS.Trần Văn Tớp cũng thừa nhận, với những trường cơ sở vật chất còn khó khăn thì sẽ rất khó thực hiện được việc cho sinh viên được lựa chọn học môn thể dục như mình thích. Hơn nữa, PGS.Trần Văn Tớp cũng cho hay từ thực tế của trường, vẫn có sinh viên bị chậm ra trường vì giáo dục thể chất.
“Chương trình dạy giáo dục thể chất đang yêu cầu sinh viên phải giống như các trường thể dục thể thao chuyên nghiệp. Trong khi các trường chuyên nghiệp đầu vào được “cân đong đo đếm” xem phù hợp với môn học hay không thì sinh viên trường thường sức khỏe của các em khác nhau. Có em thể lực yếu, có em thể lực tốt. Nhưng khi học, lại yêu cầu các em phải thực hiện đúng kỹ thuật, phải đạt thành tích bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút mới đạt mức điểm bằng này, bằng kia. Không đạt là trượt”.
Một giảng viên dạy thể dục của ĐH Công đoàn