Minwook Paeng, một nhà thiết kế công nghiệp đến từ Hàn Quốc và là sinh viên kỹ thuật thiết kế đổi mới tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia và Đại học Hoàng gia London, đã sáng chế một thiết bị giống như một con mắt robot. Thiết bị này có chức năng theo dõi những người đi bộ lướt điện thoại. Hoặc ít nhất là làm cho mọi người có ý thức hơn về chứng nghiện điện thoại của họ.
Phát minh này của Paeng được đặt tên là “Con mắt thứ ba”. Một cảm biến trong “con mắt” có khả năng phát hiện khi người dùng hơi cúi xuống, lúc này “mí mắt” sẽ được mở ra. Sau đó, một cảm biến siêu âm trông giống như đồng tử đo khoảng cách và phát hiện chướng ngại vật ở phía trước. Khi có chướng ngại vật phía trước người dùng, còi sẽ được kích hoạt để cảnh báo họ nhìn lên.
Trong một video trình diễn, Paeng đã dán một chiếc máy mẫu lên trán của người dùng bằng một miếng gel mỏng. Paeng cho biết, “con mắt thứ ba” cũng có thể được đeo bằng băng đô hoặc mũ.
“Tôi đã thử nghiệm nó khi quay video giới thiệu sản phẩm. Nó hoạt động tốt, nhưng trong thế giới thực có rất nhiều chướng ngại vật. Vì vậy để có thể sử dụng hiệu quả, sản phẩm cần được phát triển hơn nữa,” Paeng nói.
Vì mọi người có xu hướng cắm tai nghe khi đi bộ, Paeng hiện đang cố gắng cải thiện “con mắt thứ ba” để cảnh báo người dùng về các chướng ngại vật bằng các phương pháp khác ngoài âm thanh.
Nhưng bạn đừng vội lên mạng và tìm mua thiết bị này. Mặc dù “con mắt thứ ba” có khả năng hoạt động, nhưng nó không phải là một sản phẩm thương mại mà chỉ nhằm mục đích truyền cảm hứng cho việc suy nghĩ về mối quan hệ của con người với công nghệ.
Paeng nói: “Tôi hy vọng hành động cố gắng chỉ ra những gì chúng ta đang làm với điện thoại thông minh có thể giúp mọi người dành thời gian tự suy ngẫm”.
Các phát minh như thế này hé mở về tương lai gần của chúng ta với tên gọi “phono sapien”. Đây một thuật ngữ được sử dụng không chính thức dùng để nói về thế giới mà tất cả mọi thứ đều được giải quyết bằng các thiết bị điện tử. Con mắt thứ ba là thiết kế đầu tiên của Paeng trong một loạt những thiết kế thăm dò sự xuất hiện của phono sapien.
Paeng nói: “Điện thoại thông minh đã thâm nhập quá sâu vào cuộc sống của con người hiện đại đến mức không thể phủ nhận sự tiến hóa của phono sapien.“
Trong thời đại của kỹ thuật số siêu tốc, việc không có điện thoại thông minh hiện được coi là một điều kỳ quặc ở nhiều nơi. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất trên thế giới, có các biển báo dễ thấy tại các giao lộ chính để cảnh báo những người đi bộ mải mê sử dụng điện thoại. Trong khi đó, đèn tín hiệu giao thông tại một số đoạn đường dành cho người đi bộ được lắp đặt trên mặt đất để thu hút sự chú ý của những người vừa đi bộ vừa nhắn tin lướt điện thoại.