Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn

Vượt tường cao 2 m, bê thang nặng 45-50 kg chạy, cõng - thả nạn nhân từ trên cao xuống đất hay buộc dây leo tường tự cứu mình ra khỏi tòa nhà bị nạn... là nội dung cứu hộ, cứu nạn mà sinh viên ĐH Phòng cháy chữa cháy phải học để bổ trợ chuyên ngành.
Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 1

Bước vào năm thứ 2, sinh viên ĐH Phòng cháy chữa cháy sẽ được học nội dung cứu nạn cứu hộ, bao gồm: Cứu nạn cứu hộ giao thông, cứu nạn cứu hộ công trình, cứu nạn cứu hộ dưới nước, cứu nạn cứu hộ trong điều kiện đặc biệt (có khói, khí độc, thiếu ôxy, trong không gian hẹp), cứu nạn cứu hộ trên cao, vực sâu… Trong đó, kỹ thuật cá nhân và đội hình cứu nạn cứu hộ là môn cơ sở, giúp sinh viên nắm được các kỹ thuật cơ bản nhất bổ trợ cho chuyên ngành sau này. Tham gia lớp học này, các sinh viên lớp D29 (năm 2) được trang bị thiết bị phòng hộ, đai an toàn.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 2

Lớp học bao giờ cũng được bắt đầu bằng bài khởi động để hạn chế tai nạn. Trước đó, từ năm thứ nất, các sinh viên ĐH Phòng cháy chữa cháy đã trải qua những môn rèn luyện thể chất để có đủ sức khỏe, đáp ứng được nội dung học khó nhằn hơn về sau.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 3

Bài tập vượt tường cao 2 m này buộc phải có sức khỏe mới thực hiện được. Bởi lẽ, sau khi bám chắc được tay vào thành tường, thay vì trèo từng chân một sang, các sinh viên phải ghìm tay, đẩy người lên cao rồi cúi mình xuống, vắt song song hai chân sang mé tường bên kia rồi chạm đất. Đây là môn học được nhiều nữ sinh cho là khó nhất vì cơ tay yếu, không thể đẩy người lên cao để thực hiện tiếp các nội dung sau.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 4

Thảo thực hiện động tác trèo nhanh lên thang rồi tụt xuống. Bài học này, yêu cầu khi đi xuống, học viên phải áp sát người vào thang, chân bè và tì sang hai bên để thang đỡ rung và tránh trơn trượt, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 5

Các sinh viên ĐH Phòng cháy chữa cháy thực hành nội dung sử dụng dây một để tự cứu mình từ trên cao. Kỹ thuật này yêu cầu học viên phải luôn "khóa tay" vào dây tự cứu được nối từ trên cao xuống dưới đất. Dây đai háng phải được tạo bởi những nút buộc chắc, tránh bị tuột hoặc trôi thắt chặt vào người.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 6

Trong cứu hộ cứu nạn trên cao, sinh viên sẽ được làm việc với các thiết bị như thang móc, thang 3, dây, đai an toàn... Những chiếc thang 3 như thế này nặng khoảng 45-50 kg, hai học viên phải vác chạy và kéo dựng lên các độ cao nhất định (10-12 m). Nữ sinh Thảo, sau khi thực hiện động tác này đã thở không ra hơi, tay đỏ rát dù đã đeo gang bảo hộ, vai đau vì đặt thang lên trên.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 7

Cũng với một chiếc dây này, người lính cứu hỏa có thể đưa thêm được nạn nhân bị mắc kẹt trên tầng cao xuống. Trong ảnh, đại úy, thạc sĩ Phạm Viết Tiết, giảng viên khoa Cứu nạn cứu hộ, thực hiện đưa nạn nhân bằng dây một, từ tầng 3 xuống. Đại úy Tiến cho biết, các nội dung sử dụng thang, dây tự cứu và cứu người trên cao giúp học viên có kỹ năng tự thoát nạn khi gặp sự cố nguy hiểm, rèn luyện tâm lý trên cao. Nội dung đội hình cứu nạn cứu hộ, rèn cho học viên khả năng phối hợp tác chiến.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 8

Sinh viên Phòng cháy chữa cháy thực hành thả người bị nạn đang ngất từ trên cao xuống.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 9

Nội dung này yêu cầu sự chính xác, cẩn thận trong tất cả khâu: tạo nút buộc chắc chắn, buộc dây vào nạn nhân để thả xuống, giữ dây thật chắc để tránh làm rơi người bị nạn. "Trong kỹ thuật, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ có thể gặp nguy hiểm khi phải bế nạn nhân đưa ra khỏi ban công. Nếu không cẩn thận, chiến sĩ có thể bị nhao người xuống", giảng viên Lê Vĩnh nói.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 10

Kỹ thuật cõng người bị nạn qua thang. Nội dung này yêu cầu người thực hiện phải có sức khỏe tốt, các nút buộc dây bảo hộ vào thanh cố định trên cao, dây buộc người bị nạn vào người cứu hộ... phải chắc chắn.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 11

Thực hành kỹ thuật sử dụng mặt nạ chống độc để cứu người bị nạn ra khỏi vùng có khí độc, hóa chất... Người cứu nạn lúc này sẽ sử dụng bình khí để tránh hít phải khói, khí độc. Thiết bị này còn có mặt nạ trùm phụ để đưa cho nạn nhân đeo. Trước khi vào hiện trường, chiến sĩ phải kiểm tra áp suất bình khí để xác định thời gian tối đa có thể sử dụng bình. Trong tác chiến, khi còi báo bên ngoài vang lên, đồng nghĩa với thời gian sử dụng bình khí sắp hết, người cứu hộ phải nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ bên trong và ngoài hiện trường, dùng dây để liên lạc với nhau, thông qua các tín hiệu được quy ước từ trước. Sợi dây này cũng giúp chiến sĩ ra ngoài an toàn bằng chính đường vào. Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân, người cứu hộ phải luôn thấp người, tay đưa ra trước để kiểm tra sự an toàn của đường di chuyển.

Sinh viên PCCC leo thang, vượt tường học cách cứu hộ cứu nạn ảnh 12

"Những môn thực hành cứu nạn cứu hộ rất đáng sợ và gây khó khăn cho sinh viên nữ chúng em vì thể lực yếu. Em sợ nhất bài tập bật tường cao 2 m và tự cứu mình từ trên cao bằng dây một. Dù phải bám chân vào tường leo xuống nhưng em vẫn có cảm giác như mình đang rơi tự do", Lê Thu Trang (19 tuổi, lớp D29 ĐH Phòng cháy chữa cháy) nói. Theo nữ sinh này, các tiết học thực hành tuy mệt nhưng cũng rất vui và mang đến nhiều kiến thức, kỹ năng có ích cho thực tế. Dù phải tập chạy, chống đẩy với cường độ cao, vác thang 50 kg chạy... khiến người đau mỏi, rã rời, nhưng chưa bao giờ Trang muốn từ bỏ ngành học này.

Theo Theo VnExpress