Sau kỳ nghỉ Tết, ngày 2/3 tức 12 tháng Giêng mới phải học, nhưng Phạm Xuân Lộc, sinh viên khoa tiếng Trung, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã từ quê Hà Nam lên trường từ mùng 6 Tết. Cất đồ đạc về phòng trọ, Lộc vội ra chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) nhận hơn 600 lá sớ để viết cho phật tử.
Hồi năm thứ nhất, Lộc đã đăng ký đi viết sớ đầu năm. Khi đó, có người trong khoa nhận sớ về rồi phân cho từng lớp. Chữ viết còn chậm, phải tra từ điển nhiều nên cậu chỉ dám nhận hơn 100 lá sớ. Giờ thì chỉ cần vài phút là Lộc viết xong một lá. "Bài khấn cầu an, giải sao trên lá sớ đều đã in sẵn, bọn em chỉ việc viết tên, tuổi, địa chỉ của tín chủ vào thôi. Chữ nào thuần Việt, chưa rõ thì lại tra từ điển hoặc hỏi bạn ngồi bên", Lộc cho hay.
Sớ được phân thành nhiều loại: sớ cầu an, sớ giải sao Thái Bạch, sao Kế Đô, sao La Hầu. Đến ngày làm lễ, số sớ trên sẽ được dâng lên Tam Bảo rồi hóa (đốt) đi. Lộc cho biết số người xin sớ dâng sao giải hạn nhiều hơn sớ cầu an, bởi trong một gia đình đông người, có khi vài người cùng bị sao xấu chiếu mệnh, còn cầu an thì chỉ cần một lá sớ cho cả nhà.
Để không ảnh hưởng đến việc học, hôm nào lượng bài tập lớn, Lộc chỉ nhận 50-100 lá về viết. Đến ngày rằm tháng Giêng là lịch giải sao Thái Bạch, hôm đó cậu sẽ ra chùa ngồi viết sớ cả ngày. Ở gần trường có chùa Thánh Chúa, mùng một, ngày rằm, Lộc vẫn ra đó thắp hương, giúp nhà chùa quét lá rụng ngoài sân.
"Em thấy việc đi chùa viết sớ thế này cũng có nhiều ích lợi. Vừa luyện chữ, cũng là luyện tập tính kiên nhẫn, còn hơn là bỏ nhiều thời gian làm những việc vô ích khác", Lộc tâm sự.
Bài khấn cầu an đã được in sẵn ra sớ, người viết chỉ việc điền tên tuổi, địa chỉ người cầu an vào sớ. Ảnh: Thanh Hòa.
Trong thời gian chờ đi thực tập, Thơm (22 tuổi), sinh viên năm cuối Đại học Ngoại ngữ, cùng vài bạn khác đi viết sớ cho nhà chùa. Các ngày rằm trước và sau Tết, người người đi cầu an cũng là lúc các sinh viên tiếng Trung như Thơm khá bận rộn. Hôm nào không phải đi học, Thơm đều ngồi viết sớ từ lúc 8h sáng đến tận tối mới về, buổi trưa thì ở lại ăn cơm chay trong chùa. Hôm nào chùa nhiều việc, cả nhóm tự túc cơm nước ở ngoài rồi tiếp tục công việc.
"Đầu năm đi làm công đức cũng là việc tốt, hy vọng cả năm sẽ được thuận lợi", Thơm cười chia sẻ.
Tại chùa Phúc Khánh, các ngày giải sao Thái Bạch, Kế Đô, La Hầu, lễ cầu an, đại cầu an có hàng trăm người tham gia viết sớ. Các bản đăng ký đều được xếp thành tập, chuyển về khu vực viết sớ riêng trong chùa nên không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự. Người viết sớ chủ yếu là sinh viên các khoa tiếng Trung, Hán Nôm của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Đầu năm, nhiều người đến tổ đình Phúc Khánh làm lễ giải sao, cầu an nên số sớ viết một ngày lên đến hàng nghìn tờ. Ảnh: Thanh Hòa.
Hàng chục năm nay tham gia viết sớ cho chùa Phúc Khánh, bà Nguyễn Thị Len (61 tuổi, giáo viên về hưu) cho biết, lượng người đăng ký dâng sao giải hạn, cầu an rải rác từ ngày 15 tháng Chạp đến tận ngày lễ chính, lượng sớ chia đều cho các ngày do đó viết cũng đỡ mệt hơn. Ở chùa Phúc Khánh, đều đặn mỗi tháng đều làm lễ dâng sao giải hạn nên bận rộn nhất là những ngày giải sao La Hầu (mùng 8), sao Thái Bạch (ngày 15), sao Kế Đô (ngày 18).
"Những người viết sớ cho chùa đều không có tiền thù lao. Đây là công việc tự nguyện, chỉ dành cho những người có tâm, một lòng muốn hướng Phật", bà Len nói.