Sinh viên làm manơcanh, ôsin... dịp hè

Sinh viên làm manơcanh, ôsin... dịp hè
TP - Dịp hè, nhiều sinh viên không về quê mà tranh thủ làm thêm kiếm tiền, tích lũy kinh nghiệm với nhiều nghề mới.

Cẩm nang tìm việc ngày hè cho bạn trẻ
> Việc làm hè cho sinh viên

Bạn trẻ làm manơcanh sống Ảnh: Phương Thảo
Bạn trẻ làm manơcanh sống Ảnh: Phương Thảo.

Khi manơcanh biết cười

Đi qua shop thời trang Catwalk for Ladies-149 Hàng Bông (Hà Nội), người đi đường bất ngờ với hình ảnh manơcanh biết cười, biết làm dáng, nghe điện thoại... Thu Hương, SV năm nhất Cao đẳng Du lịch (Hà Nội), đã 3 tháng làm manơcanh, cho biết, mỗi tối chỉ phải làm việc khoảng 2 tiếng với mức lương 1 triệu/tháng. Tuy nhiên đây là công việc tuổi thọ khá ngắn: “Thường mỗi manơcanh chỉ làm trong 3 tháng vì làm nhiều quá khách quen mặt, không thấy hấp dẫn nữa”, Hương cho biết.

Mặc đẹp, trang điểm dễ nhìn và đứng vào vị trí vốn của manơcanh nhựa là công việc mỗi tối của Hương và giúp cửa hàng thu hút thêm khách hàng. “Nhiều người đến mua hàng còn xin chụp ảnh cùng manơcanh”, Hương nói.

Bán duyên

Sau gần 2 năm đi đội lễ thuê, Thanh Phương, SV năm cuối Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cho biết đến với nghề này một cách tình cờ qua người quen giới thiệu, làm vài lần thấy thú vị rồi gắn bó. Phương tâm sự có nghe nói đội lễ thuê là nghề bán duyên, nếu ai đội lễ quá 3 lần thì sẽ mất hết duyên khó lấy chồng, nhưng không tin lắm vì bản thân đang có cuộc tình đẹp.

Sau hàng chục lần đi đội lễ thuê, Ng.T.Đẹp, SV năm 3 Đại học Văn hóa (Hà Nội), chia sẻ: “Mình thấy công việc này khá thú vị, được quen nhiều bạn mới, giúp giao tiếp thêm tự tin”. Đẹp và nhiều bạn bè thường chạy sô trong mùa cưới, mỗi lần như vậy kể cả tiền thưởng cũng chỉ được khoảng 100 ngàn đồng, nhưng thấy đây là công việc khá thú vị, nhàn hạ, không mất nhiều thời gian.

Osin kiểu mới

Lướt qua diễn đàn như lamchame.com, webtretho.com, ttvnol…dễ thấy nhiều sinh viên (SV) đăng ký làm ô sin theo giờ. Nhiều mẹ trên diễn đàn webtretho cho biết đã chọn osin là SV vì họ thường nhanh nhẹn, biết sử dụng các thiết bị hiện đại trong nhà. Hơn thế nữa, SV có kiến thức, có lai lịch trường lớp rõ ràng.

Sau 2 tuần làm ôsin, Trần Huyền Trang, SV năm thứ nhất Đại học Quốc gia (Hà Nội) cho biết: “Trước đây, em từng làm gia sư tiếng Anh. Nói rát họng suốt 2 tiếng cũng chỉ được 80.000 đồng. Làm ô sin, công việc vất vả tay chân, nhưng đỡ căng thẳng, thu nhập cao hơn”, Trang nói. Trang nhận giúp việc theo giờ cho một gia đình ở gần Hồ Gươm (Hà Nội).

Trang thường bắt đầu làm từ 17 giờ bằng việc mua hoa cắm vào bình, lau dọn nhà cửa, thu dọn quần áo cho vào máy giặt và nấu cơm... Khoảng 20 - 21 giờ, nữ sinh này kết thúc công việc, có thể về nhà trọ. Đều đặn, mỗi tuần Trang kiếm hơn 800.000 đồng.

Nguyễn Thị Hiền, SV Cao đẳng Mẫu giáo T.Ư, lại chọn làm ôsin trông trẻ cho các gia đình theo giờ. Học chuyên ngành chăm sóc trẻ, Hiền biết cách chăm sóc, dỗ dành trẻ ăn nên được nhà chủ tin tưởng giao phó và trả công xứng đáng.

Thị trường làm thêm của SV ngày càng phong phú với các nghề độc đáo khác như đọc sách thuê, mẫu mặt (làm mẫu cho các lớp dạy trang điểm), làm mẫu móng (mẫu cho lớp học vẽ móng tay), làm bảo vệ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG