Sinh viên khởi nghiệp, cách nào?

Sinh viên ĐHBK Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Nghiêm Huê.
Sinh viên ĐHBK Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Trên 293 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên (SV) khởi nghiệp. Đây là kinh phí được đề xuất khi thực hiện Đề án hỗ trợ SV khởi nghiệp của Bộ GD&ĐT. Tuy vấn đề khởi nghiệp được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây, nhưng để triển khai trong các trường đại học (ĐH), hỗ trợ được SV thì câu chuyện không phải chỉ là tiền.

Trên 66% sinh viên chưa biết đến khởi nghiệp

Bộ GD&ĐT cho biết, theo báo cáo của 120 trường ĐH, 115 trường Cao đẳng (CĐ) thì  hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ SV khởi nghiệp tại các nhà trường hầu như chưa được triển khai. Hiện các trường có một số ít sinh viên đang tham gia Chương trình Khởi nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tham gia các hoạt động nhỏ lẻ và chưa tạo được động lực thúc đẩy thực sự đối với SV.

Có 10/120 trường báo cáo đã bước đầu hình thành các Câu lạc bộ Vườn ươm doanh nhân. Nhưng cũng có một số câu lạc bộ sau khi thành lập do thiếu đội ngũ cố vấn hoặc các thầy cô không đủ thời gian để hỗ trợ nên việc sinh hoạt và tổ chức các hoạt động của các câu lạc bộ này không hiệu quả.  Bởi vậy, theo báo cáo của VCCI (năm 2014) tỉ lệ khởi sự kinh doanh của của SV Việt Nam sau tốt nghiệp 5 năm là 2%, trong khi đó trung bình của các nước phát triển là 12,4%.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT cũng cho biết qua khảo sát với số lượng 750 SV của các trường ĐH tại 3 khu vực với tất cả các ngành nghề, kết quả cho thấy có 66,6% SV hiện nay chưa hề biết đến các hoạt động khởi nghiệp. Số lượng SV biết đến các chương trình khởi nghiệp chỉ đạt 33,4% và thực tế số lượng SV hằng năm tham gia các chương trình khởi nghiệp do VCCI khởi xướng chỉ đạt  0.016%.

Quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho SV khởi nghiệp ?

Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam đã được tổ chức và duy trì hơn 10 năm, tuy nhiên, các chương trình khởi nghiệp này mới chỉ tập trung vào một số hoạt động như khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Các hoạt động khởi nghiệp mới chỉ thu hút được một số rất nhỏ SV theo học các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin tham gia. 

Mặt khác, nếu chỉ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp thì sẽ chỉ thu hút được các SV đã có ý tưởng tham dự, còn các SV khác sẽ không quan tâm. Hay nói cách khác, các cuộc thi chưa thực sự tạo được động lực đối với các SV trong các trường ĐH, CĐ. Nó không hỗ trợ toàn diện về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp đối với SV. Nhìn một cách tổng thể có thể nhận thấy chưa có hệ “sinh thái” khởi nghiệp thực sự, bởi hiện nay đội ngũ SV và các trường ĐH tham gia không nhiều mà đó chính là đội ngũ có tính sáng tạo cao nhất.

Tại hội thảo  góp ý dự thảo Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, ông Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn khẳng định, Qũy khởi nghiệp là một ý tưởng đột phá để chính thức khởi nghiệp. Tuy nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn về thành lập, quản lý, vận hành, duy trì Quỹ. 

“Hội Sinh viên trước đây cũng đã thành lập Qũy Hỗ trợ Sinh viên Việt Nam. 100% không sử dụng ngân sách nhà nước. Ý tưởng là như thế nhưng từ khi thành lập cho tới khi cầm được con dấu là khoảng 2 năm. Vì vậy, tôi không hình dung được Quỹ khởi nghiệp sẽ thế nào, ai là người xét duyệt các đề án khởi nghiệp? Rồi vấn đề khác có thể nảy sinh vì đây là tiền  nhà nước, tiền thuế của dân, nên rất nhạy cảm” – ông Triết cho hay.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Minh Triết đề xuất nên chăng chúng ta phối hợp với Ngân hàng Nhà nước mở quỹ đầu tư mạo hiểm, các đơn vị khởi nghiệp trực tiếp làm việc để bảo vệ nguồn vốn. Như thế sẽ hay hơn là chúng ta bao cấp.

Một vấn đề khác mà ông Triết băn khoăn, đó là đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho SV, nhưng chưa tính đến đối tượng đặc thù. Ví dụ SV Học viện Thanh thiếu niên học về chính trị. Đối tượng này chúng ta có mô hình gì khởi nghiệp không? 

Lực lượng vũ trang các trường cũng rất lớn. Cho lực lượng vũ trang khởi nghiệp để tôn vinh cũng rất khó. Ông Triết cũng cho rằng, trên cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, không chỉ chia sẻ những tấm gương thành công mà những tấm gương thất bại cũng phải được đề cập đến để SV có ý tưởng khởi nghiệp tốt hơn.

Đứng dưới góc độ SV, bạn Nguyễn Bích Ngọc, trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng băn khoăn một số vấn đề liên quan đến Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trong SV.  Bích Ngọc cho rằng, vấn đề khởi nghiệp đang được tập trung nhiều vào khu vực thành thị. “ĐH Kinh tế quốc dân từng trao đổi, chia sẻ về khởi nghiệp với thanh niên nông thôn tại Hà Giang. 

Trong buổi trao đổi đó, chúng em nhận thấy thực tế ở khu vực khó khăn đấy các bạn thanh niên có rất nhiều ý tưởng gắn với đời sống, tạo ra nguồn kinh tế cho gia đình. Đôi khi cảm nhận ý tưởng của thanh niên nông thôn lại có sự thiết thực, rõ ràng. Vì vậy, chúng ta cần nhắc sự phân bổ hợp lý giữa các khu vực. Những cuộc thi có thể thuận lợi cho các bạn thành phố, còn với các bạn địa phương chúng ta có cách thức nào tạo điều kiện cho các bạn ấy không?” - Ngọc đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Minh Triết còn đề xuất, có thể vươn tới đối tượng học sinh THPT và đối tượng sau ĐH. Đối tượng học phổ thông hiện nay về mặt thể chất, tinh thần cũng như kiến thức không thua kém gì, ước mơ, hoài bão cũng không thua kém gì các bạn sinh viên ĐH. Kết quả khảo sát từ 750 SV của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy có tới  78% sinh viên mong muốn nhận được các hoạt động hỗ trợ từ bậc học trung học phổ thông, chỉ có 22% cho rằng cần nhu cầu hỗ trợ từ bậc ĐH.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.