Anh Lê Quốc Phong cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết số 44 và Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 844 về việc phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Ðể triển khai, T.Ư Ðoàn đã ban hành Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Thưa anh, năm qua được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, vậy chúng ta phải làm gì để tinh thần khởi nghiệp lan tỏa trong thanh niên và toàn xã hội?
Chủ trương năm quốc gia khởi nghiệp được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ lựa chọn rất phù hợp với sự quan tâm của xã hội, tạo cảm hứng tốt nhất cho các bạn thanh niên quan tâm đến khởi nghiệp. Bản thân tổ chức Ðoàn cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó. Năm 2016 là năm toàn xã hội đặc biệt chú ý đến khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp có sự chuyển động tích cực từ tất cả các địa phương, bộ, ban, ngành.
Ðoàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ những năm trước. Một số đơn vị đi tiên phong như TPHCM đã có mô hình Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hoặc Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Thành phố ủy thác thông qua Thành Ðoàn, Hội LHTN Việt Nam TPHCM để làm. Hay như hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ trong cả nước… Tuy nhiên, 2016 là năm có sự đầu tư mạnh mẽ hơn và tạo ra được những chương trình mang tính dài hơi hơn dành cho thanh niên trong phạm vi toàn quốc.
Vậy mục tiêu của Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021 là gì thưa anh?
Thứ nhất, là cổ vũ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Ðây là điều hết sức quan trọng. Câu chuyện khởi nghiệp là câu chuyện của những người phải có đam mê, có ý tưởng sáng tạo, phải đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc và các điều kiện khác. Tinh thần khởi nghiệp là tinh thần sáng tạo, tự lập, chinh phục thử thách, bền bỉ khắc phục và vượt qua khó khăn. Tinh thần đó tổ chức Ðoàn mong muốn mọi thanh niên Việt Nam đều có. Thông qua chương trình hỗ trợ, T.Ư Ðoàn kỳ vọng sẽ thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên.
“T.Ư Ðoàn xác định chương trình khởi nghiệp sẽ làm dài hơi. Trước mắt, tập trung các giải pháp cho giai đoạn 5 năm tới. Trong Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ XI cuối năm nay, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên sẽ là chủ đề quan trọng được Ðại hội thảo luận, xây dựng thành chương trình lớn của cả nhiệm kỳ”.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn
Thứ hai, tổ chức Ðoàn phải có hoạt động cụ thể để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bên cạnh hệ thống chính sách của Nhà nước, các cơ chế, chủ trương của Chính phủ đã ban hành, ở góc độ Ðoàn - Hội, chúng ta phải làm tốt vai trò cầu nối để hỗ trợ thanh niên tiếp cận chủ trương, chính sách, cơ hội trong quá trình khởi nghiệp. Thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là những giải pháp căn bản để thực hiện tốt mục tiêu đó. Ðặc biệt là những kết nối để các bạn thanh niên tìm cơ hội từ các nhà đầu tư. Ngoài quỹ của T.Ư Ðoàn, ngoài xã hội còn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Chúng ta phải làm cầu nối tốt nhất để thanh niên muốn khởi nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn vốn, quỹ đầu tư mạo hiểm này.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động về tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp, tư vấn thanh niên về kiến thức, kỹ năng, thông tin khởi nghiệp. Tổ chức các hoạt động để người khởi nghiệp thành công gặp gỡ thanh niên nhằm truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp. Xây dựng đội ngũ tư vấn, hỗ trợ kịp thời các bạn thanh niên ở thời điểm cần để giúp các bạn chuẩn bị tốt nhất khi tham gia khởi nghiệp.
Ưu tiên ba đối tượng thanh niên
Ðối tượng nào sẽ được ưu tiên, thưa anh?
T.Ư Ðoàn tiếp cận hỗ trợ trọng tâm 3 đối tượng thanh niên khởi nghiệp. Thứ nhất là các bạn sinh viên các trường ÐH, CÐ; thứ 2 là thanh niên nông thôn; thứ 3 là doanh nhân trẻ. Vì sao lại chọn 3 đối tượng này? Thứ nhất, các bạn sinh viên là đối tượng đang rất dồi dào về ý tưởng và có tiềm năng lớn, được trang bị về kiến thức, tri thức. Khi các bạn có ý tưởng, trên cơ sở hỗ trợ, các bạn sinh viên có thể phát triển ý tưởng của mình để khởi đầu cho quá trình khởi nghiệp.
Với đối tượng thanh niên nông thôn, chúng tôi mong muốn hỗ trợ vì đất nước chúng ta chủ yếu là nông nghiệp. Thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công chắc chắn sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển. T.Ư Ðoàn hướng tới mục tiêu để nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật được áp dụng nhiều trong hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nông thôn.
Với đối tượng là doanh nhân trẻ khởi nghiệp, đây là những bạn đã bước vào khởi nghiệp. Các bạn đã có những bước đi đầu tiên khởi nghiệp nhưng còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp sức cho các bạn vững vàng hơn trên con đường khởi nghiệp.
Ngày nay, lớp trẻ đang sống trong thời kỳ có không ít cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, theo anh đó là những thuận lợi, thách thức gì?
Thách thức đối với các bạn thanh niên muốn khởi nghiệp vẫn còn nhiều. Dù năm 2016 vấn đề khởi nghiệp được quan tâm hơn nhưng mới chỉ dừng ở những bước hỗ trợ đầu tiên. Ðây chính là thời cơ cho các bạn thanh niên. Tuy nhiên, các bạn thanh niên cũng phải nhận thức về khởi nghiệp một cách đầy đủ, đừng nhìn khởi nghiệp là câu chuyện đơn giản kiểu “mọi người làm được thì tôi cũng làm được” mà phải có bước chuẩn bị kỹ càng. Tôi cho rằng, nếu bạn nào thực sự đam mê khởi nghiệp, có ý tưởng tốt, biết tận dụng các công cụ, đặc biệt là công nghệ thông tin, có chuẩn bị về kiến thức, ngoại ngữ tốt,... các bạn sẽ có những bước khởi động tốt, cơ hội tiếp cận nhà đầu tư sẽ nhiều hơn và tỉ lệ thành công sẽ cao hơn. Và từ những yếu tố đó, chúng ta thấy rất rõ những thách thức đối với thanh niên Việt Nam hiện nay khi khởi nghiệp là ngoại ngữ, khả năng kết nối, kỹ năng thực hành xã hội...
Kết nối Startup trẻ Việt Nam khắp năm châu
Anh vừa có chuyến công tác quan trọng ở Mỹ và làm việc với các du học sinh tại thung lũng Silicon - họ là những người có nhiều kinh nghiệm về Startup và đã có những người khởi nghiệp thành công. Làm sao để kết nối tinh thần khởi nghiệp đó đến với thanh niên trong nước thưa anh?
Chuyến công tác vừa qua tại Mỹ là tiếp nối nhiều chuyến đi của T.Ư Ðoàn, T.Ư Hội trong việc kết nối với các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Ðây là nhiệm vụ của Ðoàn, Hội vì nguồn lực, tiềm năng của lực lượng này rất lớn. Nếu chúng ta phát huy tốt để phục vụ cho sự phát triển đất nước, kết nối chia sẻ tri thức ở nhiều lĩnh vực, chắc chắn sẽ có sự thúc đẩy hiệu quả trong công tác hoạt động thanh niên và nhiều lĩnh vực của đất nước.
Hiện, T.Ư Ðoàn đang duy trì một số hoạt động định kỳ thường niên để tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài và trong nước gặp gỡ, kết nối được nhiều hơn. Qua lần đi Mỹ vừa rồi và những chuyến đi công tác nhiều nước trước đây, tôi thấy nhu cầu để các bạn kết nối, cống hiến và chia sẻ thông tin là rất lớn. Các bạn khởi nghiệp thành công ở nước ngoài đều quan tâm đến Việt Nam. Một trong những câu hỏi đầu tiên các bạn đặt vấn đề với T.Ư Ðoàn, T.Ư Hội là làm thế nào để có thêm nhiều thông tin ở trong nước (thị trường lao động, môi trường đầu tư, cơ hội, cách đóng góp…). Riêng các bạn trẻ người Việt Startup thành công tại Mỹ cũng đang rất quan tâm tới việc phát triển tại thị trường Việt Nam và tiếp nhận nguồn nhân lực trong nước.
Vậy T.Ư Ðoàn sẽ làm gì để kết nối tinh thần khởi nghiệp giữa thanh niên Việt Nam ở nước ngoài với thanh niên trong nước thưa anh?
Trong năm 2017, T.Ư Ðoàn sẽ cố gắng tổ chức được những chương trình kết nối, gặp gỡ chia sẻ giữa thanh niên Việt Nam ở trong và ngoài nước. Thanh niên khởi nghiệp và tri thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới là 2 đối tượng chúng tôi tập trung. Sẽ có 2 diễn đàn lớn trong nước để các bạn gặp gỡ, chia sẻ, đóng góp ý tưởng, sáng kiến cho sự phát triển đất nước.
Ðây cũng là những hoạt động quan trọng để T.Ư Ðoàn lắng nghe và xây dựng phương hướng công tác của nhiệm kỳ XI (2017- 2022). T.Ư Ðoàn sẽ cố gắng duy trì định kỳ để các bạn có điều kiện về nước, tiếp cận và chia sẻ với sinh viên, thanh niên trong nước về học thuật cũng như các vấn đề quan tâm chung liên quan đến chủ đề làm sao để Việt Nam phát triển. Tôi tin, bằng tri thức, trình độ chuyên môn, bạn trẻ Việt Nam khắp năm châu sẽ đóng góp vào sự phát triển đất nước Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trao đổi!