Các nhà thiên văn học đến từ Viện Vật lý thiên văn của quần đảo Canary, Tây Ban Nha vừa công bố nghiên cứu về một "siêu Trái Đất" mới nằm cách hệ Mặt Trời 32 năm ánh sáng, IFL Science hôm 18/11 đưa tin. "Siêu Trái Đất" là tên gọi các hành tinh đá ngoài hệ Mặt Trời, có kích thước lớn hơn Trái Đất nhiều lần.
Hành tinh mới mang tên GJ 536 b, quay theo quỹ đạo quanh sao lùn đỏ GJ 536. Nó ước tính có khối lượng lớn hơn Trái Đất 5,4 lần và chu kỳ quỹ đạo không quá 9 ngày.
Môi trường trên GJ 536 b rất khó để sinh sống. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hy vọng tìm thấy một hành tinh khác cùng hệ với nó có thể thân thiện với sự sống hơn.
"Các hành tinh đá thường được tìm thấy theo từng nhóm, đặc biệt xung quanh những ngôi sao giống như GJ 536. Chúng tôi tin rằng có thể tìm thấy những hành tinh có khối lượng nhỏ khác trong quỹ đạo xa hơn của ngôi sao, với chu kỳ quỹ đạo khoảng 100 ngày đến một vài năm", Alejandro Suárez Mascareño, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các nhà thiên văn học hy vọng phát hiện một hệ thống tương tự Trappist 1, tức là một sao lùn đỏ với ba hành tinh đá nằm trong vùng có thể sống xung quanh nó. GJ 536 b không nằm trong vùng này nhưng các hành tinh khác cùng hệ với nó thì có thể.
Sao lùn đỏ GJ 536 cũng có chu kỳ từ tính tương tự Mặt Trời, dù chỉ trong khoảng ba năm, thay vì chu kỳ 11 năm của Mặt Trời. Các đặc điểm này khiến GJ 536 b trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn.
"GJ 536 b quay theo quỹ đạo quanh GJ 536, một ngôi sao nhỏ và nguội hơn Mặt Trời. Tuy nhiên, GJ 536 nằm đủ gần và sáng, cũng như có thể quan sát được từ cả hai bán cầu bắc, nam. Điều này khiến nó trở thành đối tượng đáng chú ý đối với máy quang phổ độ ổn định cao trong tương lai và đặc biệt trong việc tìm kiếm các hành tinh đá khác trong vùng có thể sống của ngôi sao", Jonay Isaí González, đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch nghiên cứu sự thay đổi quang phổ trong bức xạ của sao khi "siêu Trái Đất" GJ 536 b đi qua nó, từ đó tìm hiểu bầu khí quyển trên hành tinh.