Siêu thị, đại lý Hà Nội đông nhưng sức mua yếu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các siêu thị những ngày cận Tết người dân ùn ùn kéo đến mua sắm. Thế nhưng, nhiều siêu thị ghi nhận sức mua yếu dù đã kéo dài giờ mở cửa đến tận 12 giờ đêm.

Biến động kinh tế trong năm qua đã tác động tới "túi tiền" và thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng. Quan niệm "Mua sắm thoải mái vì Tết mỗi năm chỉ có 1 lần" đã không còn. Thay vào đó, người tiêu dùng có xu hướng "thắt lưng buộc bụng".

Siêu thị, đại lý Hà Nội đông nhưng sức mua yếu ảnh 1

Nhiều người dân chen chân tại siêu thị nhưng mua sắm dè dặt.

Chị Thu Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tết năm nay, mình mua sắm tiết kiệm hơn và cân nhắc những gì cần mua. Thịt, cá mua ít lại. Các khoản mua sắm quần áo cũng hạn chế".

Theo đó, chị Minh lên danh sách hàng hoá cần mua, ưu tiên đồ dùng thiết yếu, bỏ bớt hàng hoá có tính chất xa xỉ, so sánh giá để có lựa chọn tốt nhất hoặc tận dụng các đợt giảm giá trước Tết.

Siêu thị, đại lý Hà Nội đông nhưng sức mua yếu ảnh 2

Người dân thắt chặt chi tiêu chỉ mua những món đồ cần thiết.

Theo Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Quý Mão, ngay từ cuối quý 3/2022, đơn vị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa. Thế nhưng, bà Dung cho biết, do dự đoán được sức mua nên chuẩn bị hàng hoá vừa đủ.

Bà Dung cho biết, từ ngày 27 Tết, siêu thị mở cửa đến tận 12 giờ đêm để tiếp khách. Người dân chủ yếu tập trung mua hàng nhu yếu phẩm và những món cần thiết trong dịp Tết như bánh kẹo, nước ngọt, bia, các loại hạt khô, đồ khô...

Siêu thị, đại lý Hà Nội đông nhưng sức mua yếu ảnh 3

Nhiều đơn vị bán lẻ ghi nhận khách đông đúc ngày 29 Tết nhưng sức mua yếu.

“Đến hôm nay 29 Tết, sức mua có tăng so với ngày thường nhưng kém so với Tết năm ngoái cũng như Tết các năm chưa có dịch. Người dân mua sắm ít và những giỏ quà Tết vài trăm nghìn bán chạy nhất những ngày này”, bà Dung nói.

Bà Dung cho biết thêm, siêu thị mở cửa đến đêm 30 Tết, sau đó nghỉ ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2 - 5 Tết phục vụ buổi sáng và mùng 6 Tết hoạt động bình thường.

Theo một số nhà bán lẻ tại Hà Nội, tính đến thời điểm này, sức mua trên thị trường Hà Nội đã tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường nhưng tốc độ vẫn còn chậm và nhiều nhóm ngành hàng vẫn "chờ" người mua.

Các mặt hàng nhập ngoại tại các cửa hàng cũng trong tình cảnh sức mua yếu. Đại diện cửa hàng chuyên đồ ngoại nhập trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm ngoái, dù COVID-19 nhưng những ngày cận Tết người dân mua sắm gần bằng khi chưa xẩy ra dịch. Thế nhưng năm nay, tình hình mua bán chậm và người dân thắt chặt chi tiêu hơn.

Theo vị này, Tết năm ngoái người dân lựa chọn nhiều loại đùi heo muối 5 kg thì năm nay chỉ chọn loại 1 kg. Các dòng bia, rượu ngoại cũng trong tình trạng chờ khách

Còn chị Thu Phương, chủ một tạp hóa kinh doanh bánh kẹo mứt gần chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chưa có Tết nào mà bánh kẹo "ế ẩm" như năm nay.

"Những năm trước, người bán bận rộn, phải thuê thêm nhân lực mà vẫn không đủ phục vụ khách. Năm nay, thì ngồi chơi cả ngày, thấy khách như thấy quý nhân", chị Phương nói.

Theo chị Phương, sức mua năm nay giảm khoảng 50% so với những năm trước.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhu cầu mua sắm dịp tết tăng nhưng ở một mức khiêm tốn, trong khoảng từ 15 đến 20%.

Lý giải điều này, ông Phú cho rằng, sau đại dịch, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nên vẫn phải tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra, từ cuối tháng 11 đến nay, hàng vạn công nhân bị nghỉ việc, giãn việc và ngay cả thu nhập của người lao động ở các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng giảm sút đáng kể.

MỚI - NÓNG